F0 không rõ nguồn lây
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp ở các địa phương trong nước nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Hiện mỗi ngày cả nước ghi nhận trung bình 15.000 ca mắc mới Covid-19. Trong khi đó, với việc chủ động phòng, chống dịch theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể chống dịch, Quảng Ninh hạn chế thấp nhất việc lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng. Thế nhưng, mỗi ngày Quảng Ninh cũng ghi nhận từ vài chục đến hơn một trăm ca mắc mới Covid-19. Đặc biệt là số ca Covid-19 trong cộng đồng vẫn ở mức cao.
Điều này cũng dễ lý giải, bởi sau khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chuyển trạng thái từ không có Covid-19 sang sống chung an toàn với dịch bệnh, các hoạt động xã hội trở lại bình thường thì việc mầm bệnh lưu hành trong cộng đồng nhiều là điều dễ hiểu. Cùng với đó, biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh, xuất hiện tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm 2 mũi vắc xin nên không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, đặc biệt không đeo khẩu trang nơi công cộng…
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu gia tăng theo ngày. Với Quảng Ninh chỉ tính 3 ngày gần đây nhất, mỗi ngày ghi nhận trung bình trên 100 ca mắc mới. Ngoài xuất hiện trong khu dân cư thì dịch đã xâm nhiễm vào các công trường xây dựng, đặc biệt là trong môi trường học đường - nơi có hàng ngàn học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Điều đáng lo ngại là hai tháng trở lại đây, Quảng Ninh liên tục ghi nhận các ca mắc mới trong cộng đồng không có nguồn lây. Trong đó, có không ít trường hợp là công nhân, người làm việc tại các công trường, công trình, là học sinh tại các trường học trên địa bàn và chỉ được phát hiện khi đã có sự lây lan rộng.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 không rõ nguồn lây có lẽ xuất phát từ tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch, đặc biệt là chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của người dân. Nhiều người cho rằng khi được tiêm chủng 2 mũi vắc xin, nhiều trường hợp nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, vì thế trong tiếp xúc rất khó biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không. Chính vì vậy, việc tập trung đông người, không tuân thủ 5K rất dễ lây lan dịch bệnh và khó khăn trong công tác truy vết, dẫn tới nhiều hệ lụy...
Dự báo trong thời gian tới, thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của dịch Covid-19, nhất là trong dịp Tết Dương lịch 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần khi mà người dân di chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ địa phương này sang địa phương khác nhiều hơn, thăm hỏi chúc tụng nhau ngày tết, tụ tập đông người tổ chức vui chơi, ăn uống…, trong khi đó số người nhiễm Covid-19 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ ngày một nhiều, dẫn tới nguy cơ dịch Covid-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, khả năng bùng phát diện rộng là rất lớn.
Chính vì vậy, trong giai đoạn thích ứng linh hoạt, an toàn, người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể của việc phòng, chống dịch. Chỉ khi người dân vào cuộc thật sự, tích cực, chủ động, tự giác thì khi đó công tác chống dịch mới hiệu quả, đặc biệt là luôn tuân thủ 5K, hạn chế tập trung đông người, hạn chế di chuyển, nhất là việc về quê ăn tết, tụ tập vui chơi, ăn uống…
Cùng với đó, các ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến; nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát, diện rộng với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện các ca mắc mới.
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập cộng đồng ở bất cứ nơi đâu và thời điểm nào, thì ý thức, trách nhiệm, sự tự giác thực hiện các quy định phòng dịch của mỗi người dân là vô cùng quan trọng, từ đó tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và cộng đồng. Đó chính là thứ vắc xin hữu hiệu nhất mà ai cũng có thể tự trang bị được cho mình.
Ý kiến ()