
Du lịch - động lực để bảo tồn, phát triển các làng nghề?
So với các tỉnh, thành phố, Quảng Ninh cũng có các làng nghề hình thành từ lâu đời. Tại xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên), năm 1997, khi khai quật di chỉ khảo cổ núi Đầu Rằm, các nhà khoa học đã phát hiện, thu được rất nhiều “chì lưới” bằng đất nung, các dọi xe sợi, lao bằng xương, lưỡi câu bằng đồng... dùng để đánh bắt hải sản. Từ đó, đưa ra nhận định rằng hẳn phải có những công xưởng, làng nghề để chế tác ra các ngư cụ trên.
Trải qua thời gian, từ yêu cầu của cuộc sống gắn với biển, đánh bắt hải sản, TX Quảng Yên đến nay đã ra đời và phát triển các làng nghề như làng nghề đan ngư cụ Hưng Học, đóng thuyền nan Nam Hoà (phường Nam Hoà), đóng tàu, thuyền vỏ gỗ Cống Mương (phường Phong Hải), đóng tàu Hà An (xã Hà An). Tại TX Đông Triều có làng nghề gốm sứ Đức Chính ra đời cách đây khoảng 60 năm và tại Vân Đồn có làng nghề nuôi cấy ngọc trai có tuổi đời trên 40 năm. Nhìn chung, tới nay, các làng nghề của Quảng Ninh đã duy trì được phát triển dù có lúc thăng trầm. Tại Quảng Yên, các sản phẩm ngư cụ, nhất là thuyền nan của Hưng Học, Nam Hoà đã được nhiều khách hàng các tỉnh ven biển lân cận tin cậy, tìm đến mua. Gốm sứ Đông Triều được biết tới với đặc trưng là dòng sứ nặng lửa, nhiệt độ nung đạt tới 1.300oC với các sản phẩm chậu hoa, đôn, ang. Trai ngọc Vân Đồn với các loài trai ngọc rất quý có giá trị xuất khẩu cao được nhiều khách hàng quốc tế lựa chọn...
Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày một phát triển, nhất là Việt Nam đã và đang ngày một hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay cùng nhiều tác động khác từ kinh tế thị trường, việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống đối với các làng nghề đang gặp nhiều thách thức. Làm thế nào để bảo tồn, gìn giữ là phát huy giá trị các làng nghề truyền thống là nỗi trăn trở của nhiều người, nhất là các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hoá. Giải được bài toán đó, thiết nghĩ, các làng nghề cần được quan tâm một loạt vấn đề như hỗ trợ về quy hoạch làng nghề, cơ chế chính sách vay vốn, liên kết, quảng bá, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm v.v.. Trong đó, nên chăng lấy du lịch làng nghề là trọng tâm hướng tới. Từ mục tiêu xây dựng làng nghề thành điểm du lịch để có tầm nhìn hoạch định các cơ chế chính sách hỗ trợ, quy hoạch, nhất là quy hoạch môi trường, liên kết giữa làng nghề với các hãng du lịch. Có thu nhập, có hướng đi sáng sủa tất sẽ là động lực để các người dân, các gia đình bảo tồn, phát huy các nghề truyền thống. Thực tế cho thấy, lấy du lịch làm mục tiêu, động lực phát triển đang là hướng đi của nhiều làng nghề. Tại Quảng Nam, làng rau Trà Quế ở Hội An chuyên trồng rau hữu cơ đã xây dựng và phát triển bền vững mô hình khách du lịch tham gia cày bừa, gánh phân, cuốc đất trồng rau. Tại các làng nghề gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc), Bát Tràng (Hà Nội) và nhiều làng nghề khác đều xây dựng mô hình, tour để du khách tham gia chế tác sản phẩm. Đối với Quảng Ninh, tại các làng nghề đan ngư cụ Hưng Học, đóng thuyền nan Nam Hoà hay gốm sứ Đông Thành, gần đây du khách cũng có thể cùng làm sản phẩm với người dân nhưng nhìn chung còn manh mún. Điều cốt lõi khiến mô hình du lịch làng Yên Đức (Đông Triều) đang thành công, khiến du khách quốc tế đến đây rất thích thú là do họ được trải nghiệm cuốc đất trồng rau, xuống ao đánh cá, giã gạo, gặt lúa, xem rối nước... Đó là minh chứng cho thấy các giá trị văn hoá truyền thống và sức sống của nó. Hy vọng, từ thực tế kinh nghiệm của các làng nghề trong nước, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương và người dân các làng nghề sẽ quan tâm hơn và sớm tìm được hướng đi để bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả giá trị các nghề và làng nghề như một di sản quý của cha ông để lại.
Đại Dương
Ý kiến ()