Đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó
Ngày nay, đến các xã, thôn, bản miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh, chắc hẳn mọi người đều cảm nhận rõ sự thay đổi nhanh chóng về diện mạo cũng như đời sống người dân nơi đây. Những mô hình phát triển kinh tế được mở rộng, mang lại hiệu quả cao; hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông... Đây là kết quả của những quyết sách, chủ trương đúng đắn của Trung ương và của tỉnh tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng khó, đặc biệt gần đây là Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Tỉnh ủy.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU "Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, cùng với triển khai nhiều chương trình, dự án, tỉnh đã phê duyệt chương trình đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, tập trung hỗ trợ đầu tư 101 công trình hạ tầng, động lực thiết yếu, trong đó có 26 công trình giao thông, 30 công trình thuỷ lợi, 15 công trình giáo dục, 30 công trình văn hoá, chợ thương mại, nước sinh hoạt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Xác định rõ vai trò giao thông “dẫn dắt, mở đường”, tỉnh xác định phải nhanh chóng tháo gỡ những “nút thắt” về hạ tầng giao thông nhằm tạo thuận tiện nhất cho người dân đi lại cũng như phục vụ tốt hoạt động phát triển sản xuất của người dân. Theo đó, tỉnh đã huy động các nguồn lực triển khai một số dự án giao thông quan trọng mang tính kết nối vùng khó khăn và các cửa khẩu trên địa bàn, như: Đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên); đường nối từ trung tâm huyện đi xã Quảng An (huyện Đầm Hà); đường nối từ QL18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà) (giai đoạn 2). Cùng với đó, là tuyến đường từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (thôn Trại Me, xã Sơn Dương) đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm (TP Hạ Long).
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh khởi công các dự án, như: Cải tạo đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); nâng cấp đường từ thôn Khe Lặc, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) đi xã Húc Động (huyện Bình Liêu); đường từ trung tâm huyện đi xã Quảng An và đường nối QL18 đi qua xã Quảng Lâm vào bản Sán Cáy Coọc, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); cải tạo, nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ trên địa bàn huyện Bình Liêu và Ba Chẽ… UBND tỉnh cũng giao Sở GT-VT lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường tỉnh 342 từ TP Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến giáp địa phận tỉnh Lạng Sơn.
Song song với đó, tỉnh cũng hoàn thiện Đề án “Tổng thế phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ”. Đề án triển khai sẽ tập trung đầu tư 13 công trình giao thông động lực, thiết yếu, kết nối nội thị huyện, liên huyện, tạo không giao và các điều kiện phát triển mới đối với các địa phương này, đồng thời kết nối trong tổng thể hệ thống hạ tầng giao thông của cả tỉnh.
Ngoài ra, với mục tiêu phủ sóng di động, cáp quang vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành khảo sát, xác định vị trí và hướng tuyến xây dựng cột ăng ten và cáp quang phủ lõm sóng di động, băng rộng cố định vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Đến nay, đã khảo sát 31 vị trí cột ăng ten chưa có mặt bằng triển khai xây dựng và 96 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng cố định để xoá vùng lõm điện thoại di động và internet cáp quang. Tính riêng trong quý I/2022, đã phê duyệt 17 vị trí xây dựng trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao diện tích phủ sóng 3G, 4G trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, triển khai xây dựng 11 trạm phát sóng BTS để phủ sóng di động cho 11 thôn vùng khó; triển khai hạ tầng và sẵn sàng cung cấp dịch vụ internet băng rộng cố định cho 10 thôn tại những địa bàn khó khăn.
Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cũng xây dựng, hoàn thiện hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông bảo đảm. Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, với mong muốn tất cả học sinh nghèo được tiếp cận với kiến thức trong học tập, tỉnh đã chỉ đạo, triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng hạ tầng băng rộng phủ lõm tại các điểm còn lõm sóng di động và cáp quang, bảo đảm đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ việc dạy và học trực tuyến. Đồng thời, hỗ trợ máy tính, thiết bị công nghệ và nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo điều kiện phục vụ học tập; hỗ trợ sử dụng các nền tảng giáo dục trực tuyến và các gói cước Internet, cước di động 3G, 4G dành cho học sinh, sinh viên...
Chung tay dành nguồn lực hỗ trợ cho khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị dạy và học cho giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hưởng ứng chương trình "Sóng và máy tính cho em", tiêu biểu là Viettel Quảng Ninh, Agribank Quảng Ninh...
Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo của tỉnh; góp phần kéo gần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh.
Ý kiến ()