
Nghĩ về kinh tế di sản ở Quảng Ninh
Quảng Ninh được đánh giá là tỉnh sở hữu nhiều di sản quan trọng trong cả nước. Đặc biệt, các di sản lại phân bố ở hầu khắp các địa phương của tỉnh. Đây là nguồn tài nguyên lớn, là những tài sản quý để đẩy mạnh phát triển kinh tế di sản…
Những năm qua, hoạt động dịch vụ du lịch gắn với các di sản trên địa bàn không ngừng phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2024, Quảng Ninh đón số lượng khách du lịch kỷ lục lên tới 19 triệu lượt, trong đó có 3,8 triệu khách nước ngoài. Mục tiêu năm nay tiếp tục nâng lên với con số dự kiến là 20 triệu khách, trong đó lượng khách quốc tế đóng vai trò đáng kể, dự kiến đón 4,5 triệu khách quốc tế và nguồn thu phấn đấu đạt 50.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, qua đánh giá cho thấy, thời gian lưu trú của khách khi đến Quảng Ninh còn ngắn. Nhiều sản phẩm dịch vụ về vui chơi, giải trí, mua sắm thiếu sự hấp dẫn, độc đáo, chưa có điểm nhấn cần được chỉnh sửa và bổ sung thêm. Điều này là một trong những hạn chế khiến việc hài hòa lợi ích trong phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), tham gia tại hội thảo về kinh tế di sản tổ chức tại Vân Đồn vào cuối năm 2024 vừa qua, cho rằng: Quảng Ninh cần có một chiến lược với tầm nhìn dài hạn để từ đó xây dựng chính sách cụ thể cho các loại hình kinh tế di sản cụ thể gắn với các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tỉnh cũng cần lựa chọn được loại hình kinh tế di sản phù hợp với từng địa phương, từng cộng đồng để tập trung đầu tư phát triển. Đồng thời cần gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế lễ hội với bảo tồn di sản văn hóa cộng đồng; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa ngành văn hóa với các ngành liên quan và lấy cộng đồng chủ thể làm trung tâm để phát triển kinh tế di sản…

Sự liên kết, hợp tác của nhiều ngành, đơn vị liên quan, vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế di sản được nhiều chuyên gia tham gia hội thảo kể trên coi trọng. GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT trung ương, đề cao vai trò của người dân - chủ thể trong phát triển kinh tế di sản, cho rằng: Cần làm tốt cả 3 khâu, trong đó người dân phải hiểu rõ, sâu sắc các di sản của mình để tự hào và biết khai thác di sản đó. Về mặt chính quyền phải đào tạo để họ phát huy hết tiềm lực và có khả năng tham gia vào đầu tư cho phát triển kinh tế di sản ở địa phương. Các lĩnh vực, bộ phận cũng cần phối hợp chặt chẽ để tạo nên sức mạnh tổng thể của kinh tế di sản địa phương, trong đó người dân là một thành tố không thể thiếu.
Thống nhất với quan điểm phát triển kinh tế di sản cần gắn với lợi ích của người dân, TS. Nguyễn Văn Anh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy tài nguyên văn hoá, Trường Đại học KHXH-NV Hà Nội, cho rằng: Một trong những cách rất quan trọng là họ phải được chia sẻ quyền lợi cũng như trách nhiệm. Khi người ta làm về kinh tế di sản thì tiền - kinh tế sẽ là phép thần để giữ chứ không phải đạo đức hay thứ gì khác. Nếu như người dân cảm thấy họ có giá trị, họ được tôn trọng, được đặt vào đúng vị trí và được hưởng lợi ích từ việc gìn giữ di sản thì không cần phải tuyên truyền quá nhiều, họ sẽ tự nhận thức và có trách nhiệm bảo vệ di sản.

Nói riêng ở lĩnh vực du lịch văn hoá tâm linh, Quảng Ninh đã có chiến lược trong bảo tồn, khai thác tương đối tốt những năm gần đây. Đầu tiên là việc nghiên cứu, đánh giá giá trị di sản, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội hoá to lớn cho đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ tại di tích. Vì thế chỉ chưa tới 10 năm, các di tích của Quảng Ninh đã có diện mạo khác hẳn, không chỉ bền vững mà còn được mở rộng khang trang, bề thế. Nhiều di tích đã trở thành điểm đến thu hút du khách.
Có những doanh nghiệp đã đầu tư lớn, lên tới cả nghìn tỷ đồng vào du lịch di sản, tiêu biểu là Công ty CP Phát triển Tùng Lâm. Tại Yên Tử, doanh nghiệp đã đầu tư Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm với hàng chục hạng mục công trình, vừa tạo thêm một không gian vui chơi, trải nghiệm độc đáo, khác biệt dưới chân non thiêng vừa có thể đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng từ dòng khách bình dân cho tới dòng khách cao cấp. Các sản phẩm trải nghiệm của đơn vị cũng được thiết kế chú trọng gắn với các giá trị tự nhiên, văn hoá lịch sử của vùng đất Phật này. Người dân địa phương vừa có thể phát triển kinh tế khi làm việc cho doanh nghiệp vừa có thêm sinh kế từ các dịch vụ phục vụ lượng khách về đây hằng năm lên tới cả triệu người…
Ngược lại, cũng phải thấy rằng Tùng Lâm vẫn là một doanh nghiệp cá biệt. Thực tế, nhiều di tích lớn trên địa bàn tỉnh vẫn mòn mỏi ngóng trông một sự đầu tư bài bản, cá tính, có bản sắc riêng từ các giá trị văn hoá của di sản. Lý giải cho điều này, TS. Nguyễn Văn Anh nhận định: Đầu tư vào di sản là vấn đề rất khó. Khó ở chỗ muốn khai thác được thì trước tiên phải bảo vệ cho di sản, đầu tư cho việc nghiên cứu và đánh giá giá trị di sản. Cái khó thứ hai là đầu tư cho di sản cần sự kiên trì rất là lâu bền và khả năng thu lợi nhuận không thể nhanh như lĩnh vực khác được nên việc thu hút các doanh nghiệp tương đối khó khăn. Vì vậy, chính quyền cũng cần có chính sách phù hợp cho họ chứ không thể áp dụng một cách đơn thuần như các doanh nghiệp kinh doanh khác.

Một trong những lợi thế lớn nhất của Quảng Ninh là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long những năm qua luôn là điểm đến hút khách trong nước và quốc tế của Quảng Ninh, kể cả dòng khách thương gia hay các tỷ phú thế giới… Đi cùng với đó, các dịch vụ lưu trú, ăn uống, tham quan, nghỉ ngơi, nghiên cứu, khám phá, hội nghị, hội thảo được tỉnh và các doanh nghiệp chú trọng phát triển. Việc khai thác dòng khách siêu sang đến với Vịnh Hạ Long được tỉnh đặc biệt quan tâm, là hướng đi phục vụ cho yêu cầu phát triển bền vững du lịch di sản.
Gần đây, Quảng Ninh cũng có nhiều hành động tích cực trong việc mở rộng khai thác du lịch tuyến biển đảo lân cận như vùng vịnh Bái Tử Long, các đảo của Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà… hứa hẹn tạo sức đột phá cho du lịch di sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đây.
Thực tế cho thấy, so với nhiều địa phương trong cả nước, ngoại trừ những trung tâm kinh tế - văn hoá lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Quảng Ninh cũng đã ghi những dấu ấn khá rõ nét, đáng khích lệ trong phát triển kinh tế di sản từ lợi thế của địa phương. Định hướng phát triển trong tương lai cũng tương đối tươi sáng. Dù vậy, theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thì sự phát triển kinh tế di sản của Quảng Ninh vẫn chưa xứng với tầm vóc của tỉnh.
Ông cho rằng, với vị thế, vai trò gánh vác sứ mệnh quốc gia trong phát triển du lịch đặt ra cho Quảng Ninh, nếu chỉ thực hiện theo các cơ chế, chính sách chung thì có tính trói buộc, không khuyến khích cho phát triển. Do đó, Quảng Ninh cần được trao cho quyền tự chủ, tự quyết, tự hành động và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn, xứng tầm quốc gia, quốc tế hơn thì mới chớp được thời cơ, tạo sức đột phá mạnh mẽ hơn trong phát triển kinh tế di sản.
Ý kiến ()