
Đổi mới để vươn xa hơn
Từ ngày 1/7/2025 Quảng Ninh chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, một bước đi đột phá thể hiện sự sẵn sàng đổi mới mạnh mẽ của tỉnh. Đây không chỉ là thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà còn là nền tảng để Quảng Ninh vươn mình mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Theo đó, tỉnh đã chuẩn bị một cách toàn diện và kỹ lưỡng cho sự chuyển đổi này. Điều đó được thể hiện rõ nét qua sự đồng thuận cao độ, từ lãnh đạo tỉnh đến từng cán bộ, công chức cấp cơ sở, tất cả đều quán triệt sâu sắc mục tiêu, ý nghĩa của việc tinh gọn bộ máy và sẵn sàng thích ứng với phương thức làm việc mới.
Là một trong 13 đặc khu của cả nước, Vân Đồn có sự khác biệt rất lớn với đặc thù có 5 đảo xa đất liền. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 16/6/2025, từ ngày 1/7 để giải quyết các TTHC, người dân 5 khu vực đảo sẽ phải vào Trung tâm Hành chính công đặc khu Vân Đồn để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Đây đang là trăn trở, nỗi niềm rất lớn của hầu hết người dân 5 đảo khi quãng đường, thời gian, chi phí cho mỗi chuyến đi làm TTHC đều phát sinh rất cao, sẽ tác động đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng từ nhân dân, những người được giao nhiệm vụ vận hành đặc khu đã rất trăn trở, trực tiếp xuống dân để bàn các giải pháp tháo gỡ trên quan điểm: Đặt người dân là trung tâm của đổi mới, mọi hoạt động, chính sách và quyết định trong quá trình đổi mới đều phải hướng đến việc phục vụ, đáp ứng nguyện vọng và vì lợi ích của người dân. Trên cơ sở đó, song song với việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, trụ sở làm việc, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh giải quyết TTHC “phi địa giới”…, Vân Đồn đã mạnh dạn đổi mới thông qua việc thành lập các tổ công tác ngay tại các đảo do các đồng chí lãnh đạo đặc khu phụ trách. Các tổ công tác bao gồm đầy đủ các đơn vị liên quan để hỗ trợ, rà soát, tiếp nhận và giải quyết các TTHC, trả kết quả cho nhân dân, bảo đảm đúng trình tự, tiến độ giải quyết theo quy định. Với cách làm này, gần 8.000 người dân tại 5 đảo Vân Đồn sẽ không phải vào trung tâm đặc khu để giải quyết TTHC, mà sẽ được giải quyết, nhận kết quả ngay tại địa bàn mình đang sinh sống. Đây được coi là sáng kiến, giải pháp rất phù hợp với đặc thù địa phương, góp phần tháo gỡ “nút thắt”, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho nhân dân, để người dân thực sự là trung tâm của đổi mới.

Việc thay đổi số lượng, tái cấu trúc không gian đô thị và cơ cấu đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh đã kiến tạo nên những không gian phát triển mới theo hướng đa trung tâm, tạo ra các cực tăng trưởng mới, thúc đẩy sự kết nối chặt chẽ với các vùng lân cận. Như phường Yên Tử được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các phường Phương Nam, Phương Đông và xã Thượng Yên Công. Phường Yên Tử có diện tích 113,23km², dân số 38.932 người, gồm 34 khu dân cư. Sau khi sáp nhập, phường Yên Tử không chỉ mang trong mình vị thế mới về mặt hành chính, mà còn mở ra dư địa phát triển to lớn, với nhiều tiềm năng và thế mạnh mang tính khác biệt. Với vị thế là trung tâm du lịch tâm linh cấp quốc gia, nơi có Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử đang được đề cử Di sản văn hóa thế giới, cùng hệ sinh thái phong phú, cảnh quan độc đáo, Yên Tử định hướng phát triển mạnh du lịch văn hóa - sinh thái - nghỉ dưỡng chất lượng cao. Nơi đây cũng nằm trong vùng quy hoạch KKT ven biển Quảng Yên, việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao và các ngành dịch vụ hiện đại, với hàng loạt dự án trọng điểm đang được triển khai, như KCN phía Tây Quảng Yên, sân golf Uông Bí...
Xã Quảng Hà mới hình thành trên cơ sở sáp nhập thị trấn Quảng Hà và 3 xã Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Chính. Sau sáp nhập, xã Quảng Hà được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng đã được đầu tư đồng bộ trước đó với giao thông kết nối thông suốt từ trung tâm xã đến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Bên cạnh đó, xã có lợi thế nằm trong KKT Cửa khẩu Móng Cái, có KCN cảng biển với quy mô 5.000ha, trong đó KCN Texhong Hải Hà đang triển khai với quy mô 660ha. Tất cả đang tạo ra không gian phát triển đa chiều cho xã Quảng Hà thu hút đầu tư, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, trở thành điểm trung chuyển logistics chiến lược ở vùng Đông Bắc…
Với những bước đi chiến lược và tinh thần đổi mới mạnh mẽ, Quảng Ninh đang khẳng định vị thế là một tỉnh kiểu mẫu, không chỉ vươn mình mạnh mẽ về kinh tế, mà còn kiến tạo một môi trường sống chất lượng cao, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Hiện tỉnh đã nâng cấp và xây dựng các hệ thống CNTT hiện đại, đảm bảo sự liên thông, đồng bộ giữa các cấp, từ đó hỗ trợ tối đa cho việc xử lý công việc và phục vụ người dân. Các hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử, các ứng dụng chuyên ngành đều hoạt động thông suốt. CBCC, nhất là ở cấp xã, đã được tập huấn kỹ về quy trình mới, ứng dụng công nghệ, kỹ năng phục vụ nhân dân, đảm bảo mỗi cá nhân đều nắm vững nghiệp vụ và sẵn sàng triển khai nhiệm vụ. Cùng với đó, các quy định pháp lý, quy trình nội bộ, quy chế phối hợp giữa cấp tỉnh và cấp xã đã được rà soát, điều chỉnh kịp thời, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho mô hình mới hoạt động hiệu quả.
Sự sẵn sàng này cho phép mô hình chính quyền 2 cấp của Quảng Ninh vận hành trơn tru ngay từ những ngày đầu tiên. Nhờ đó người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ TTHC tinh gọn, thời gian giải quyết nhanh hơn, khả năng tiếp cận dịch vụ công thuận tiện hơn. Với nền tảng thể chế mới này, tỉnh sẽ tiếp tục khai phá tối đa tiềm năng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những động lực phát triển mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, đưa tỉnh vươn xa hơn nữa trên bản đồ phát triển quốc gia và khu vực.
Ý kiến ()