Diệt trừ sâu bệnh cứu lúa
Trong đó có loại sâu bệnh mức độ gây hại tăng cao hơn 10 lần so với vụ xuân năm 2007. Các địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là Đông Triều, Yên Hưng, Hải Hà, Đầm Hà. Theo dự báo, do thời tiết thuận lợi nên một số loại sâu bệnh vẫn tiếp tục phát triển và có thể gây hại trên diện tích hàng ngàn ha nữa. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lương thực của vụ xuân.
Tuy đã được cảnh báo từ sớm và UBND tỉnh đã có công điện, kế hoạch chỉ đạo và phát động chiến dịch nhưng kết quả phòng, chống sâu bệnh hại lúa chưa được như mong muốn. Hạn chế cơ bản là bà con nông dân thực hiện chưa đúng kỹ thuật, không theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, phun thuốc không đầy đủ, không đúng liều lượng, chủng loại, diện tích phun không đều v.v. Nhiều địa phương đã tổ chức chiến dịch ra quân diệt trừ sâu bệnh nhưng vẫn còn một số nơi bà con nông dân chưa thực sự chú trọng tới công tác này. Thậm chí có nhiều hộ do mải mê làm các nghề phụ, không quan tâm tới đồng ruộng, để sâu bệnh phát triển lây lan sang các diện tích khác. Một điều đáng nói nữa là nhiều nơi nông dân thiếu bình phun thuốc trừ sâu dẫn tới công tác phòng, chống diễn ra chậm chạp, không theo kịp diễn biến phát triển của sâu bệnh, lứa sâu này chưa dập xong thì lứa khác đã sinh sôi phát triển...
Diệt trừ sâu bệnh là phải gấp gáp, khẩn trương như cứu hoả. ở đây ngoài sự nỗ lực của người nông dân thì vai trò của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và các hợp tác xã là rất quan trọng. Ngoài việc tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát thì phải sâu sát đồng ruộng, người nông dân để có những hướng dẫn kịp thời, bổ sung các loại vật tư, thiết bị còn thiếu. Hiện nay nông dân các địa phương đang tập trung sức diệt trừ sâu bệnh cứu lúa bằng nhiều biện pháp, phương cách nhưng để đạt hiệu quả thực sự, góp phần đảm bảo an ninh lương thực rất cần sự vào cuộc, chung tay của các cơ quan chuyên môn, cán bộ kỹ thuật và trách nhiệm cao của các cấp chính quyền.
Ý kiến ()