
Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trực thuộc Tỉnh uỷ thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử tổng hợp (thuộc Văn phòng UBND tỉnh), Báo Hạ Long (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh). Việc thành lập Trung tâm bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, đảm bảo khoa học, hiệu quả, đổi mới; nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan thông tin, báo chí; tăng khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.
Nhằm ổn định tổ chức, bộ máy Trung tâm Truyền thông tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định bổ nhiệm 7 đồng chí nguyên là Giám đốc, Tổng Biên tập, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh làm Phó Giám đốc Trung tâm và điều động đồng chí là Tỉnh uỷ viên giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm. Tháng 7/2024, Trung tâm tổ chức kiện toàn lại vị trí Giám đốc. Đến nay, Trung tâm có Giám đốc và 3 Phó Giám đốc.
Bộ máy Trung tâm giảm từ 22 đầu mối cấp phòng chuyên môn còn 14 phòng trực thuộc, giảm 8 đầu mối cấp phòng. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu để giảm quy mô từ 14 phòng hiện nay, còn 12 phòng. Tính đến tháng 3/2025, Trung tâm có 250 CBCCVC-LĐ, giảm 43 người so với thời điểm thành lập. Trung tâm đang tiếp tục thực hiện lộ trình tinh giản gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC phù hợp với yêu cầu mới.
Trên nền tảng của các cơ quan báo chí hợp nhất, Trung tâm đã vận hành theo mô hình “Tòa soạn hội tụ đa phương tiện, phóng viên tác nghiệp đa loại hình, lấy công nghệ thông tin làm nền tảng”, từng bước thực hiện chuyển đổi số với việc số hoá toàn bộ dữ liệu, tin học hoá toàn bộ các khâu để khai thác sức mạnh của các loại hình báo chí.

Tối ưu hoá sử dụng nguồn lực, năng lực, sở trường, khả năng của mỗi phóng viên, biên tập viên ngày càng nâng lên. Khoảng 70% phóng viên, biên tập viên có thể sản xuất tin, bài đa phương tiện cho nhiều loại hình báo chí, trong đó, khoảng 15% phóng viên, biên tập viên tập trung sản xuất các tác phẩm chuyên sâu, góp phần giảm tải tần suất liên hệ của phóng viên đối với cơ sở và tinh gọn ê kíp tác nghiệp các sự kiện, khắc phục tình trạng chồng chéo trong tổ chức, giảm chi phí sản xuất các chương trình, các tác phẩm báo chí trước đây. Trung bình mỗi năm, Trung tâm sản xuất 4.680 tin, bài trong chương trình thời sự, gần 900 chương trình phát thanh trực tiếp, đăng tải trên 40.000 lượt tin, bài với trung bình 70.000 lượt truy cập/ngày trên Báo Quảng Ninh điện tử…
Trung tâm cũng đã triển khai ứng dụng Quảng Ninh Media, mở fanpage (diễn đàn trên mạng xã hội) “QMG-Tin tức Quảng Ninh 24/7”, các fanpage bằng tiếng nước ngoài… Đồng thời, tập trung nguồn lực phục vụ tốt nhiệm vụ mới, như: Xuất bản sách, tổ chức sự kiện, hoạt động truyền thông, sản xuất phim truyện truyền hình, phim tài liệu, MV ca nhạc những bài hát nổi tiếng của tỉnh…
Phát huy hiệu quả các nền tảng báo chí truyền thống, đẩy mạnh phát triển báo chí số gắn với tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Trung tâm Truyền thông tỉnh chú trọng đổi mới, gia tăng tiềm lực, quy mô, năng lực trên cơ sở củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức, nhuần nhuyễn hơn trong cơ chế, quy trình quản trị vận hành, tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm báo chí, truyền thông gắn với triển khai có hiệu quả cơ chế tự chủ, cân đối tài chính, thay đổi về chất lượng hoạt động kinh tế truyền thông.
Xác định con người là yếu tố cốt lõi trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, Trung tâm sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng và thu hút được đội ngũ nhân lực không chỉ tác nghiệp đa phương tiện, đa loại hình theo chiều rộng, mà còn rất chú trọng tác nghiệp theo chiều sâu thông tin, khai thác thế mạnh và sức sống của báo chí phân tích, báo chí dữ liệu, từ đó, góp phần xây dựng Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh mạnh ở khu vực Đông Bắc.
Ý kiến ()