
Động lực tăng trưởng kinh tế từ các dự án ngoài ngân sách
Cùng với các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư ngoài ngân sách chiếm một số lượng lớn nguồn vốn đầu tư, khi được phát huy hiệu quả, tạo ra động lực tăng trưởng lớn cho nền kinh tế của tỉnh, nhất là trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh quyết tâm cán đích năm 2025 ở mức tăng trưởng kinh tế trên 14%.
Dư địa tăng trưởng trong đầu tư tư còn lớn
Khoảng 10 năm trước, tỉnh Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào ngành công nghiệp nặng, với vai trò chủ đạo của ngành Than với hoạt động khai thác than cũng như sản xuất điện. Tuy nhiên, những hoạt động này có độ phát thải lớn, tạo ra xung đột với ngành dịch vụ, du lịch được coi là động lực tăng trưởng bền vững của tỉnh. Cũng từ đó, tỉnh quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, với việc đưa hoạt động sản xuất công nghiệp vào phát triển bền vững, có sự đầu tư mạnh mẽ từ ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, thúc đẩy thu hút các nhà đầu tư đến địa bàn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho hoạt động dịch vụ, du lịch. Đã có rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư các dự án ở Quảng Ninh, tạo nên một diện mạo mới hoàn toàn, làm thay đổi bộ mặt đô thị, hạ tầng dịch vụ, du lịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước.
Có thể kể đến như các dự án: Quần thể du lịch giải trí Sun World Hạ Long (TP Hạ Long); Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (TP Hạ Long); Khu du lịch văn hóa Yên Tử (TP Uông Bí); bến cảng cao cấp Ao Tiên (KKT Vân Đồn); khu nghỉ dưỡng Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả)… Những dự án này huy động nguồn lực dồi dào ở thời điểm đó và đã đóng góp nhiều chỉ số % cho tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh. Đặc biệt, đến nay các dự án tạo ra nhiều chỉ số % tăng trưởng kinh tế cho tỉnh, khi lượng khách du lịch đến tỉnh ngày một nhiều, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, cũng như đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhà nước.

Từ kinh nghiệm có được của các dự án được huy động vào địa bàn thời gian qua, năm 2025, trước mục tiêu đặt ra tăng trưởng kinh tế trên 14%, qua đó mới đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra trên 2 con số trong cả nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách, đảm bảo các dự án ngoài ngân sách sớm được triển khai đầu tư, đi vào hoạt động, qua đó tạo ra tăng trưởng kinh tế năm 2025 và động lực tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn mới.
Ngày 26/3, sau những quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và chủ đầu tư, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng đã khánh thành, đi vào vận hành sản xuất, lắp ráp ô tô, với dây chuyền thiết bị được đầu tư để sản xuất, lắp ráp ô tô Skoda - thương hiệu ô tô lâu đời nhất của Cộng hòa Séc. Dự kiến quý II/2025, sản phẩm ô tô đầu tiên là Skoda Kushaq sẽ ra mắt thị trường tiêu dùng trong nước. Điều này cũng có nghĩa, tạo ra nguồn lực tăng trưởng lớn cho tỉnh trong năm 2025 và cho cả giai đoạn về sau.
Theo báo cáo tổng hợp mới đây của UBND tỉnh, trong năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có thêm 8 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 2 dự án theo hình thức đối tác công - tư, tạo ra nguồn động lực tăng trưởng mới cho tỉnh (Dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh; dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh giai đoạn 1; dự án nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh; dự án công viên Đại Dương Hạ Long; dự án khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh; dự án khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại KKT Vân Đồn…). Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, các dự án nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp đang được tích cực triển khai đầu tư xây dựng. Dự kiến sẽ có từ 2-4 khu công nghiệp mới được thành lập và nhiều CCN được đưa vào hoạt động, thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Mỗi dự án kể trên có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể đến nguồn thuế phí sử dụng đất nộp vào ngân sách nhà nước, chi phí nhân công lao động, dịch vụ đi kèm. Nguồn vốn này sau khi được triển khai giải ngân, đưa vào nền kinh tế, tạo nguồn lực lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng cũng như cả khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung.
Nhanh chóng đưa các dự án vào thực hiện
Mặc dù đã xác định được nguồn lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh năm 2025 đến từ các dự án đầu tư ngoài ngân sách, tuy nhiên, hiện giờ các dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh do Tập đoàn Vingroup và Công ty CP Vinhomes làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án lên đến 232.369 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD). Số tiền này tương đương với tỉnh Quảng Ninh thu NSNN trong vòng 4 năm. Nếu dự án sớm được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa vào triển khai thực hiện trong năm 2025 sẽ có những đóng góp nhất định cho tăng trưởng kinh tế cả trước mắt và lâu dài. Dự án này được tiến hành khởi công từ tháng 10/2021, thế nhưng qua gần 5 năm, đến nay vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thể triển khai đầu tư tổng thể, đồng bộ theo tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban đầu.
Theo chủ đầu tư, do dự án có diện tích rộng, khối lượng vật liệu san lấp lớn, rừng ngập mặn, GPMB, giá đất… nên dự án thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để phù hợp với tình hình. Chỉ tính riêng về khoản xác định đơn giá đất của dự án để tính tiền sử dụng đất, đến nay vẫn chưa hoàn thành, gây ảnh hưởng lớn đến quá trình đầu tư của dự án. Thêm vào đó, dự án cần một khối lượng vật liệu san lấp khổng lồ, nhưng đến nay, nguồn cung ứng vật liệu này vẫn chưa có.

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên và tránh để dự án bị gián đoạn kéo dài, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong nhiều cuộc họp gần đây của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt vào cuộc chỉ đạo, phải tháo gỡ dứt điểm những “nút thắt” cố hữu được nêu ở trên, qua đó song hành với nhà đầu tư hình thành nên một khu đô thị lớn nhất tỉnh, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, khai thác được tiềm năng, thế mạnh giáp biển khu vực TP Hạ Long, TX Quảng Yên, thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế tham quan, trải nghiệm, khám phá và đáp ứng nhu cầu về nhà ở, không gian sống chất lượng cho người dân địa phương, vùng lân cận và đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư từ các địa phương khác đến Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Trong những năm qua, do cơ chế, chính sách về đất đai luôn có sự điều chỉnh, thay đổi, do vậy, rất khó khăn cho địa phương trong việc hoàn thiện phương án, thẩm định giá đất. Do Luật Đất đai (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành, bám sát chỉ đạo của tỉnh, hiện đơn vị được giao chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, tham mưu cho UBND tỉnh phương án và thẩm định phương án giá thuê đất của dự án. Hiện các bộ phận liên quan đang tích cực hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu trong tháng 3, đầu tháng 4/2025 sẽ trình được phương án giá đất; trong tháng 4-6/2025 sẽ thẩm định phương án giá đất cũng như phê duyệt giá thuê đất của dự án.

Đối với vướng mắc về các mỏ vật liệu san lấp, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đến dự án đang tập trung bám sát Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg (11/2/2023) để bố trí các mỏ vật liệu san lấp phục vụ dự án, trong đó có tính toán đến phương án tận thu các nguồn vật liệu thải mỏ thuộc các đơn vị ngành than trên địa bàn tỉnh. Với tính toán này, trước mắt chủ đầu tư đang tích cực hoàn thiện phương án khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ ở khu vực Đông Triều, dự kiến có khoảng 7-8 triệu m3 để triển khai; đồng thời tiếp tục phối hợp với sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu tìm thêm các nguồn vật liệu san nền khác phù hợp.
Tại cuộc họp UBND tỉnh ngày 12/3/2025, UBND tỉnh thống nhất, đề xuất lấy nguồn đất đá từ các cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch gần dự án Hạ Long Xanh. Điển hình như cụm công nghiệp Hoành Bồ 1, cụm công nghiệp Hoành Bồ 2 thuộc xã Thống Nhất, xã Vũ Oai (TP Hạ Long). Phương án lấy nguồn đất đắp từ 2 cụm công nghiệp có trong quy hoạch này hoàn toàn khả thi, bởi không những giải quyết được nguồn đất đắp cho dự án Hạ Long Xanh, mà còn tạo ra quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư vào 2 cụm công nghiệp này trong thời gian tới.

Với mục tiêu đặt ra năm 2025, tỉnh Quảng Ninh phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 14%, tăng 2% so với mục tiêu Chính phủ giao, bên cạnh chỉ đạo những việc thường xuyên về phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, Tỉnh ủy còn quyết liệt chỉ đạo Đảng ủy UBND tỉnh đôn đốc các sở, ban, ngành và UBND các địa phương của tỉnh rà soát, thống kê các dự án ngoài ngân sách nhà nước gặp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và thường xuyên có kiểm đếm hàng tuần đối với từng dự án được liệt kê.
Tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy ngày 14/3/2025 về giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, nút thắt liên quan đến các dự án, công trình động lực trong và ngoài ngân sách, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chỉ đạo: Các cấp, ngành, địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa để có những giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, nút thắt nhằm khơi thông, giải phóng nguồn lực đến từ các dự án ngoài ngân sách; tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thủ tục đối với các dự án đầu tư mới. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện. Các địa phương không để các hoạt động chỉ đạo, điều hành bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy; làm với tinh thần quyết tâm, quyết liệt cao nhất, đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu.
Được biết, hàng tuần, Đảng ủy UBND tỉnh sẽ phải tổng hợp, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy đối với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư công và ngoài ngân sách, nhất là những dự án được UBND tỉnh thống kê, báo cáo Tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, kiểm đếm tiến độ trong năm 2025, để làm sao sớm nhất có thể đưa các dự án vào triển khai đầu tư cũng như hoàn thành các dự án đã và đang được triển khai xây dựng. Việc làm này không những giúp tỉnh khơi thông được nguồn lực đầu tư từ xã hội, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2025, mà còn tạo ra không gian phát triển mới cho các vùng, khu vực trong tỉnh khi dự án được đầu tư hoàn thành. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, sẽ tạo ra thêm nhiều nguồn lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ý kiến ()