
Chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử
Nằm trên đỉnh núi Yên Tử cao 1.068m so với mực nước biển, chùa Đồng là điểm đến tâm linh đặc biệt thiêng liêng đối với du khách bốn phương. Sau chặng leo dài với nhiều nỗ lực, quyết tâm vượt mình để lên tới đỉnh núi, ai nấy đều phấn khởi vô cùng. Chính vì vậy mà khi tìm hiểu về chùa Đồng càng khiến du khách thêm nể phục những người thợ đã góp công xây dựng công trình từ thế kỷ XVII, XVIII cho tới nay.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nguyên núi Yên Tử từ 2.000 năm trước là quả núi Tiên, gắn liền với sự tích được thư tịch cổ Việt Nam và Trung Quốc ghi là nơi tiên ông An Kỳ Sinh đắc đạo và bay lên trời. Tượng đá An Kỳ Sinh giờ đây vẫn hiện hữu ở khu vực đỉnh núi Yên Tử, nơi này còn gọi là Thiên Phủ Thanh Hư. Địa hình nơi đây do kiến tạo tự nhiên có vô số các khối đá lớn đổ lở cộng với sự tích về Tiên nên các địa điểm, hiện vật khu vực này cũng có những cái tên rất đặc biệt, gợi những liên tưởng độc đáo mà không phải ai đến đây cũng biết, cùng với Thiên Phủ Thanh Hư là Chợ Trời, Cổng Trời, Bàn Cờ Tiên…
Sau này, khi Phật giáo Trúc Lâm mở rộng ảnh hưởng thì khu vực đỉnh núi xuất hiện thêm một số dấu tích của dòng thiền này, như hình tượng Phật Hoàng nhập Niết bàn (dân gian gọi là tượng Phật nằm) và bia đá A Di Đà Phật. Các dấu tích này theo nghiên cứu đều xuất hiện từ thời Lê Trung Hưng thế kỷ XVII, XVIII, là giai đoạn phục hưng mạnh mẽ nhất của Phật giáo Trúc Lâm. Giống như dấu tích Tiên thì các dấu tích Phật giáo đều gắn liền với những khối đá gốc tự nhiên ở đây.

Bàn Cờ Tiên sau này đã trở thành nền của chùa Đồng, nằm ở vị trí cao nhất của đỉnh núi Yên Tử. Theo sách Đại Nam nhất thống chí chép thì nền chùa có bàn cờ đá, tục gọi là Bàn Cờ Tiên: “Bàn Cờ Tiên, con cờ đều bằng đá xanh, chữ khắc rất đẹp, không rõ bắt đầu từ thời nào”. Tượng Phật nằm ngự ở ngay phía trước của chùa Đồng hiện nay. Với địa thế dốc, hẹp lại đông khách hành hương vào mùa xuân nên du khách nếu không để ý sẽ khó quan sát rõ hình dáng của tượng đá lớn này.
Chùa Đồng được xây dựng lần đầu tiên cũng được đoán định là vào thời Lê Trung Hưng, có thể khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Nội nhân họ Trịnh, dựng chùa Đồng ở đây, ngói lợp bằng đồng, lại đúc 2 pho tượng. Năm Canh Thân đời Lê Cảnh Hưng (năm 1740), kẻ trộm lấy mất ngói đồng, chỉ tượng và rường cột còn lại thôi...”. Do điều kiện thời tiết, thời gian huỷ hoại, cho tới nay đã có nhiều ngôi chùa Đồng được nối tiếp dựng trên đỉnh Yên Tử.

Theo các nghiên cứu thì năm 1930, thời vua Bảo Đại, chùa được xây dựng lại và khắc bia. Năm 1993, chùa được công đức xây mới bằng đồng quy mô nhỏ. Và ngôi chùa Đồng hiện nay được công đức xây dựng vào năm 2006, 2007 với quy mô lớn hơn cả, mô phỏng kiến trúc chùa Dâu tượng trưng cho cõi Niết bàn của Phật giáo Trúc Lâm. Chùa được làm hoàn toàn bằng đồng, nặng tới 60 tấn, có diện tích mặt bằng là 16,55m2. Tổng cộng chùa có 16 cột đồng với đường kính từ 20-30cm, cao từ 2,2m đến hơn 3m. Toàn bộ xà ngang, xà dọc đều đúc hình đầu rồng. 4 đầu chùa hình mái vẩy, trông tựa như hình bông sen đang nở vươn lên. Ngói chùa hình mũi hài, những tấm phên tường ngăn, cột hàng rào lan can, con hạc, câu đối, phù điêu rồng đều được đúc sinh động…
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Sau ngôi chùa Đồng được dựng lần đầu tiên, do một bà phi phủ chúa Trịnh cung tiến thì ngôi chùa thứ hai là do bà Mỹ ở chùa Long Hoa xây dựng tiếp với cốt bằng đồng trên đỉnh núi Yên Tử. Các ngôi chùa Đồng cũ này hiện không còn nhưng riêng chùa dựng năm 1993, 1994 thì vẫn còn được giữ lại khá nguyên vẹn, từ hệ thống tượng Tam tổ Trúc Lâm cho tới những chi tiết trang trí nhỏ. Gần đây, vào năm 2024, chùa đã được đơn vị cho gò nắn, phục dựng lại... Một điểm đặc biệt nữa là, cả 2 lần chùa được dựng lần đầu và khi phục dựng lại phần lớn đều do ông Nguyễn Sơn Nam là Việt kiều Mỹ công đức. Ngôi chùa hiện đang được bảo quản, lưu giữ tại Nhà trưng bày của Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử.
Ý kiến ()