
Vườn Quốc gia Bái Tử Long: Thả khỉ mặt đỏ về môi trường sống tự nhiên
Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long vừa tiếp nhận 1 con khỉ mặt đỏ (tên khoa học Macaca arctoides) từ huyện Tiên Yên, đồng thời thực hiện các thủ tục pháp lý để thả động vật về môi trường tự nhiên.
Trước đó, một người dân tại xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, đã thấy 1 con khỉ mặt đỏ đi lạc vào vườn nhà, gia đình đã bắt, báo cho Kiểm lâm địa bàn và mang đến cơ quan Công an xã Đông Hải, huyện Tiên Yên, để bàn giao, mong muốn chú khỉ này được thả về môi trường tự nhiên an toàn hơn.

Qua kiểm tra, cá thể khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides) là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB, được bảo vệ theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Đây là con khỉ đực, nặng khoảng 3,5kg, tình trạng sức khỏe tốt, đủ điều kiện để tái thả về môi trường sống tự nhiên. Sau khi tiếp nhận, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tái thả khỉ về khu vực rừng tự nhiên tại Khoảng 7, Tiểu khu 201, đảo Ba Mùn, Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
Vườn Quốc gia Bái Tử Long có diện tích rừng tự nhiên lớn, được bảo vệ nghiêm ngặt lại cách ly với môi trường xã hội, là điều kiện lý tưởng để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật rừng. Trong những năm qua, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tổ chức nhiều đợt tiếp nhận, cứu hộ và tái thả về điều kiện sống tự nhiên với nhiều loại động vật rừng, trong đó có các loài nguy cấp, quý hiếm để bảo tồn nguồn gen và tăng tính đa dạng sinh học trong Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
Ý kiến ()