Dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát
Đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 ở trong nước vẫn tiếp tục được kiểm soát hiệu quả. Hiện mỗi ngày trên địa bàn cả nước ghi nhận khoảng vài chục đến hơn một trăm ca, đây là mức thấp nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 dự báo vẫn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp. WHO lên tiếng cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Hiện tại tình hình dịch bệnh ở các địa phương tiếp tục được kiểm soát. Thế nhưng, Bộ Y tế dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch. Đặc biệt, thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch tăng cao, cộng với đó thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, gia tăng. Trong khi đó, hiện nay sự vào cuộc phòng, chống dịch của các cấp chính quyền, ban, ngành giảm đáng kể, không còn quyết liệt như giai đoạn dịch bùng phát, người dân cũng có tâm lý chủ quan, lơ là, nhất là trong việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 các mũi bổ sung.
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Trong đó có việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt đối với dịch Covid-19, các bệnh truyền nhiễm thường xảy ra vào dịp đầu năm, sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra; theo dõi, giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm, không để lây lan rộng, bùng phát kéo dài trong cộng đồng. Tiếp tục thúc đẩy công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; tăng cường các biện pháp truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, thực hiện ứng trực 24/24 giờ; chủ động các phương án sẵn sàng nhân lực, dự trữ đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị, phương tiện đảm bảo đáp ứng các yêu cầu trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa đông – xuân.
Trong phòng, chống dịch, đặc biệt là dịch Covid-19 thì vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn, địa phương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên và tăng cường tiêm chủng phòng Covid-19 cho trẻ em bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Cùng với đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh, tuyên truyền để người dân không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch Covid-19.
Ý kiến ()