Đền ơn đáp nghĩa
Đây là việc làm thường niên thể hiện tình cảm, trách nhiệm đối với những đóng góp, hy sinh to lớn vì độc lập dân tộc của các thương binh, liệt sỹ và gia đình họ, của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân trong tỉnh. Đồng thời đó còn là sự sẻ chia và phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, Quảng Ninh đã tiễn đưa hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó có hàng nghìn người bị hy sinh hoặc thương tật vĩnh viễn, rồi còn hàng nghìn trường hợp trong đó có cả con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học. Chiến tranh tuy đã lùi xa, nhưng di chứng do nó để lại còn hết sức nặng nề, gây khó khăn, khổ đau cho bao gia đình, cá nhân.
Thực hiện chủ trương và các phong trào đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể, từ nhiều năm qua, các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm và triển khai mạnh mẽ. Ngoài chính sách chung của Nhà nước, Quảng Ninh còn có những chính sách, biện pháp riêng để chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng như trợ cấp thêm cho bố mẹ liệt sỹ già cả cô đơn, con liệt sỹ mồ côi, thân nhân liệt sỹ, thương binh cụt tay, cụt chân ở khu vực sản xuất nông nghiệp, thương binh nặng đặc biệt, trợ cấp thêm cho con liệt sỹ, thương binh đi học nghề v.v.. Mỗi tháng, tỉnh trích ngân sách và vận động nhân dân đóng góp chi hỗ trợ thêm hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng. Với sự quan tâm và nỗ lực đó, đến nay cơ bản các gia đình ở diện chính sách đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên cùng địa bàn.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải không còn những khó khăn, bất cập trong công tác này. Thực tế hiện nay vẫn còn một số nhà ở của thương binh, gia đình liệt sỹ chưa được khang trang; con em họ còn thiếu việc làm hoặc thu nhập không ổn định; việc tìm kiếm thông tin về mộ liệt sỹ, giải quyết những tồn đọng chính sách sau chiến tranh chưa được thường xuyên, còn những hạn chế; đời sống vật chất, tinh thần của nhiều đối tượng ở vùng sâu, vùng xa còn không ít khó khăn, thiếu thốn. Tất cả những điều này đang đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội để giúp cho cuộc sống của những người có công ngày càng ổn định và cải thiện hơn. Để thực sự thiết thực và có ý nghĩa, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa cần quan tâm đến những tâm tư, nguyện vọng cụ thể của các đối tượng, đặc biệt là các trường hợp còn nhiều khó khăn, ở những địa bàn không thuận lợi...
Ý kiến ()