Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất cấp "thị thực vàng" với thời hạn 5-10 năm nhằm thu hút chuyên gia, nhân tài, giới siêu giàu đến Việt Nam.
Trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Bộ trưởng hôm 25/3, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) bày tỏ lo ngại ngành du lịch Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu so với một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia. TAB đề xuất một số giải pháp nhằm kích cầu cho ngành du lịch Việt cũng như thành lập Ban Cải cách chính sách thị thực, với sự tham gia của cả khu vực công - tư.
Trong nhóm cải cách về thị thực, TAB gợi ý cấp "thị thực vàng" với thời hạn 5-10 năm, có khả năng gia hạn, dài hơn so với thời hạn 1-2 năm hiện tại; thị thực đầu tư thời hạn 10 năm kèm theo lộ trình trở thành thường trú nhân sau 5 năm nếu duy trì mức đầu tư. Thị thực nhân tài cũng được TAB nhắc đến, với thời hạn 5 năm cùng quy trình gia hạn đơn giản.
Các chương trình thị thực này có thể thí điểm tại một số thành phố, tỉnh có điều kiện tốt như Phú Quốc, TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
Khách quốc tế ở Hà Nội tháng 11/2024. Ảnh: Hoàng Giang
Năm 2024, du lịch Việt đón 17,6 triệu lượt khách, phục hồi gần bằng mức trước dịch là 18 triệu lượt của năm 2019. Thái Lan đón hơn 36 triệu lượt, bằng 88% mức 40 triệu lượt và Malaysia cũng đạt 96% của mức 25 triệu lượt của năm 2019. TAB nhận định các quốc gia cạnh tranh của du lịch Việt "đang thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách thị thực", Việt Nam cần nhận thức về chuyển biến này và có ứng phó phù hợp. Thái Lan đã mở rộng số quốc gia được miễn thị thực từ 57 lên 93, Malaysia cũng miễn thị thực cho 158 quốc gia. Hai quốc gia này đều triển khai các loại thị thực mới. Trong khi đó, Việt Nam hiện miễn thị thực cho 30 quốc gia.
Về hỗ trợ ngành du lịch, Thái Lan đã dành khoản kinh phí gần 200 triệu USD để quảng bá du lịch ở nước ngoài trong năm 2024. Malaysia chi 84 triệu USD, Singapore chi 220 triệu USD. TAB cho biết dù không có số liệu về ngân sách nhà nước phân bổ quảng bá du lịch Việt, nhưng con số này "chắc chắn không đáng kể", gần 8 triệu USD.
Ngoài đề xuất cải cách thị thực, Hội đồng Tư vấn du lịch cũng cho rằng ngành cần có chiến dịch truyền thông, quảng bá rộng rãi, được hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước hoặc thuế thu được từ hoạt động du lịch.
Theo TAB, các chính sách thị thực họ đề xuất từng được nhiều quốc gia trong khu vực áp dụng. Năm 2022, Thái Lan đã triển khai chương trình "Thị thực cư trú dài hạn" lên đến 10 năm cho khách quốc tế. Năm 2025, Thái Lan điều chỉnh các tiêu chí của chương trình này để thu hút thêm nhân tài toàn cầu và thay thế "Thị thực ưu tiên" ra mắt năm 2003 bằng "Thị thực nhập cảnh đặc quyền Thái Lan". Singapore cũng có chương trình "Nhà đầu tư toàn cầu" để thu hút nhân tài, giới nhà giàu.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 và hai tháng đầu năm hôm 5/3, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu chính sách visa phù hợp, đặc biệt là các nước bạn bè truyền thống, đa dạng hóa việc miễn visa với một số quốc gia, đối tượng như tỷ phú trên thế giới.
Ý kiến ()