
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp ý vào nhiều dự án luật quan trọng
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 6/5, Quốc hội họp toàn thể tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo; thảo luận ở tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Tham gia góp ý tại hội trường Quốc hội đối với dự thảo Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất hai nội dung cần tinh chỉnh. Thứ nhất, tại Khoản 3, Điều 4, cần làm rõ hơn định nghĩa "Cơ quan quản lý giáo dục" là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh hoặc các đơn vị chức năng thuộc Bộ, ngành. Lý do, là mô hình chính quyền hiện chỉ có 3 cấp (Trung ương, tỉnh, cơ sở). Nếu theo dự thảo, đơn vị cấp xã cũng có thể chủ trì tuyển dụng (Điểm a, Khoản 2, Điều 14) sẽ gây bất cập do hạn chế về chuyên môn và không đồng bộ trong quy hoạch, sử dụng, điều động nhà giáo trong phạm vi toàn tỉnh.
Thứ hai, liên quan đến quản lý nhà giáo trong cơ sở giáo dục (Điều 43), đại biểu đề nghị, không phân biệt cơ sở giáo dục công lập tự chủ hay không tự chủ trong việc thực hiện các nội dung quản lý tại Khoản 1 (bao gồm cả bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ quản lý). Đại biểu cho rằng thẩm quyền này phải thuộc cơ quan quản lý cấp trên theo quy định công tác cán bộ và để đảm bảo việc điều động, luân chuyển ngoài phạm vi đơn vị. Đồng thời, do mức độ tự chủ tài chính khác nhau (theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP), việc giao toàn bộ quyền cho đơn vị tự chủ là chưa rõ ràng. Vì vậy, nên giao Chính phủ quy định chi tiết việc phân cấp, giao quyền cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện.
Đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần thiết kế 1 điều khoản khung về việc hợp đồng với nghệ sỹ, ca sỹ, nhạc sỹ, vận động viên thể thao, họa sỹ… giảng dạy các môn năng khiếu trong cơ sở giáo dục. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường mời những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm thực tế tham gia vào quá trình giáo dục, làm phong phú thêm môi trường học đường.

Trong phiên thảo luận tổ chiều cùng ngày, làm rõ các nội dung liên quan đối với dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh việc hoàn thiện dự thảo luật là rất quan trọng để làm căn cứ đáp ứng các yêu cầu về năng lượng cho quốc gia. Đặc biệt là đối với việc đẩy nhanh dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần quan tâm các vấn đề về quy hoạch, phân cấp, an ninh, an toàn, bảo mật quốc phòng, huy động nguồn lực xã hội hóa… làm sao để thực hiện một cách chặt chẽ, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đối với dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần bổ sung đầy đủ các nội dung theo Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Liên quan đến một số cơ chế, chính sách thí điểm trong Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội đang đề nghị luật hóa trong dự án luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia mới được ban hành ngày 19/2/2025, chưa có thời gian kiểm nghiệm trong thực tế. Vì vậy, cần xem xét, cân nhắc kỹ nếu luật hóa ngay một số quy định thí điểm trong Nghị quyết này vào dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời đánh giá kỹ sự cần thiết để đảm bảo tính khả thi, ổn định của luật.

Cùng tham gia góp ý vào dự án Luật khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát làm rõ hơn về nội hàm khái niệm đổi mới sáng tạo; mở rộng và có cơ chế khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo. Mặt khác, vấn đề sử dụng Quỹ khoa học đổi mới sáng tạo hợp lý, khả thi...
Cũng tại phiên họp, các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Các ý kiến khẳng định sự cần thiết ban hành các luật này. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các đại biểu tập trung thảo luận vào một số vấn đề lớn như: tính khả thi của việc phân loại rủi ro theo ba mức trong thực tiễn quản lý; phạm vi áp dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân; vai trò của địa phương trong tổ chức thực hiện luật.
Về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về quy định về cơ quan pháp quy hạt nhân và cơ chế cấp phép vận hành nhà máy điện hạt nhân; tính đồng bộ giữa dự thảo Luật với các luật liên quan như: Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường; các điều kiện bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân…
Ý kiến ()