
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Tỉnh Quảng Ninh mỗi xã, phường một sản phẩm” (Chương trình OCOP Quảng Ninh), giai đoạn 2013-2016, tổ chức ngày 22-10 vừa qua, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu đánh giá cao Quảng Ninh có nhiều cách làm mới, đi đầu trong đổi mới thể chế, và rất nhanh nhạy trong hội nhập.
Cụ thể về Chương trình OCOP Quảng Ninh, Bộ trưởng đã khẳng định: Chương trình đã khẳng định hướng đi đúng đắn, sâu sắc, bài bản của tỉnh trong việc phát triển sản phẩm hàng hoá theo chuỗi giá trị, gắn các tổ chức sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh địa phương. Những kết quả đã đạt được của chương trình thời gian qua đã một lần nữa thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị với tư duy sáng tạo.
Bộ trưởng gợi mở cho Quảng Ninh lựa chọn một số sản phẩm để đẩy lên thành mặt hàng chủ lực, tạo hàng hoá quanh năm, nâng tầm quy mô, giá trị hàng hoá, ví dụ như lợn Móng Cái, trà hoa vàng... Bộ trưởng hy vọng những sản phẩm chủ lực từ Chương trình OCOP sẽ vượt thị trường tỉnh ra thị trường cả nước và có thể xuất khẩu.
Bộ trưởng cho rằng, Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Với Quảng Ninh, phát triển nông nghiệp cũng chính là mở rộng không gian du lịch.
Bộ trưởng đề nghị Quảng Ninh cần đánh giá lại, đánh giá chuyên sâu Chương trình OCOP Quảng Ninh, lắng nghe kỹ các ý kiến của tổ chức, cá nhân tham gia chương trình để xây dựng hệ thống chính sách phát triển chương trình OCOP. Mô hình và cách làm này rất cần được đánh giá kỹ để triển khai, nhân rộng trong cả nước.
Thực hiện chỉ đạo nói trên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đã có công văn về việc chuẩn bị hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, hộ gia đình trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình OCOP Quảng Ninh. Theo đó, Hội nghị đối thoại giữa Thường trực UBND tỉnh với tổ chức Hội Nông dân và các đơn vị, cá nhân tham gia Chương trình OCOP dự kiến tổ chức vào ngày 25-11. Trước 10-11, các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành việc tổ chức hội nghị tương tự để đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiếp tục rà soát điều chỉnh, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia đầu tư mở rộng sản xuất, quảng bá sản phẩm khi tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời thường xuyên giám sát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm của địa phương tham gia Chương trình này, xử lý nghiêm các sản phẩm không đảm bảo chất lượng, lợi dụng thương hiệu OCOP để đưa sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Trước ngày 15-11, Ban Xây dựng nông thôn mới phải hoàn thành việc chủ trì phối hợp với các địa phương làm việc với các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP, nhằm tổng hợp các ý kiến đề xuất vướng mắc khó khăn trong triển khai sản xuất phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh. Trong báo cáo phải nêu rõ trách nhiệm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đó thuộc sở, ngành, địa phương nào.
Hy vọng rằng, với quyết tâm của Quảng Ninh, cùng với sự ủng hộ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình OCOP Quảng Ninh sẽ được đẩy lên tầm phát triển cao, lan rộng cách làm, tạo sự liên kết, hỗ trợ hiệu quả, có được những sản phẩm chủ lực, có thể xuất khẩu.
Nguyên Đan
Ý kiến ()