Đáp án từ một kỳ thi
Việc tổ chức kỳ thi nếu huy động được cả cộng đồng cùng vào cuộc, và nhất là phong trào “sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi” hoạt động nhiệt tình và có hiệu quả, thì hoàn toàn có thể giải tỏa những áp lực tại các điểm thi. Rất nhiều những hình ảnh đẹp từ việc nhân dân quanh các điểm tổ chức thi vui vẻ nhường nhà, cho thuê nhà với giá rẻ để thí sinh và người nhà có chỗ ở trong những ngày "lai kinh ứng thí", tới hình ảnh cảm động về những sinh viên - những đàn anh đàn chị lớp trước - túc trực đêm ngày trong gió trong mưa tại các nhà ga, bến xe sẵn sàng đón tiếp và chỉ dẫn tận tình cho những thí sinh lần đầu xa nhà đi thi. Một cuốc xe, một chỗ ở, một câu tư vấn, một lời động viên đúng lúc đúng chỗ đã khiến bao thí sinh cảm thấy ấm lòng và vững tin bước vào kỳ thi. Đây là "đáp án" sáng nhất cho những giải pháp giảm áp, đó là "đáp án lòng dân". Điều đó chứng tỏ, nhân dân rất ủng hộ phương án tổ chức những kỳ thi đại học và cao đẳng, dù biết sẽ phải chịu một số bất tiện, phải khắc phục một số khó khăn. Phải chăng vì thế mà Bộ GD-ĐT đã quyết định lùi thời hạn thực hiện kỳ thi "hai trong một", đúng như ý nguyện của thí sinh và phụ huynh, cũng là ý nguyện của đông đảo người dân. Không ai không biết, nếu tổ chức được kỳ thi "hai trong một" thành công, sẽ tiết kiệm được không chỉ tiền của mà còn góp phần giảm áp lực mùa thi cho xã hội. Nhưng làm sao trong điều kiện hiện tại có thể tổ chức kỳ thi "hai trong một" thành công? Đó là bài toán không thể cho đáp án một cách dễ dãi. Mà nếu giải sai bài toán này, thì lợi bất cập hại, lợi ít nhưng hại sẽ nhiều, sẽ lâu dài cho nhân dân và đất nước. Tổ chức thi tuyển sinh đại học và cao đẳng thật tốt thật nghiêm túc là để chọn người đạt chuẩn, người giỏi, nhưng cũng là để chọn sự công bằng tối ưu, giảm thiểu những khuất tất những tiêu cực, tức là góp phần làm trong sạch xã hội, đưa đất nước hòa nhập vào tiến trình giáo dục con người, đào tạo nguồn nhân lực tích cực trong thế giới hiện đại. Năm nào, tới mùa thi cũng nảy sinh những vấn đề cần giải quyết, cũng xuất hiện những tình huống khó khăn, khó xử làm bức xúc và mệt mỏi cho nhiều người. Nhưng nếu chúng ta giải quyết được những "đề thi" vốn lặp đi lặp lại này mỗi năm một tốt hơn, tìm được những "đáp án" mỗi năm một hợp lý hơn, sáng rõ hơn, thì việc thi đại học và cao đẳng sẽ thành những ngày hội tôn vinh sự học, tôn vinh tri thức, và tôn vinh tình thương yêu đoàn kết của cả cộng đồng "vì tương lai con em chúng ta". Đi thi sẽ không còn là chuyện "khô, khó, khổ" nữa, mà với thí sinh, sẽ thành một niềm háo hức, một quyết tâm tự vượt lên chính mình, vượt qua những thách thức. Đó cũng là ý nghĩa sâu sắc của hình ảnh "cá vượt vũ môn".
Ý kiến ()