
Đảm bảo an toàn trong môi trường số
Vấn đề an ninh mạng, an toàn thông tin càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh toàn xã hội chú trọng chuyển đổi số toàn diện. Mỗi người cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình khi sử dụng CNTT, tham gia môi trường số.
Tại nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh, phong trào “Bình dân học vụ số” đang được triển khai khá sôi nổi, tạo thành làn sóng thi đua tới đông đảo người dân. Ở khu phố 2 (phường Hồng Gai), các buổi học tại Nhà văn hóa những ngày cuối tuần thu hút người cao tuổi tham gia. Nội dung lớp học giới thiệu các trang mạng xã hội chính thống để người dân tiếp nhận thông tin thời sự của chính quyền địa phương; khai thác các tiện ích trên ứng dụng VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt, Googlemaps giúp định vị và chỉ đường... Đặc biệt là giúp người dân cảnh giác, nhận biết để phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo, lôi kéo qua mạng của các đối tượng xấu.
Ông Lê Thanh Hà, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 2, cho biết: Chỉ qua vài buổi học do khu phố tổ chức, các thành viên tham gia đã không còn e ngại với việc sử dụng công nghệ, mà ngày càng hăng hái, chủ động, tự tin. Dù việc học tập cần thời gian mới có thể thuần thục, nhưng đây là tiền đề rất tốt để khu phố hướng tới mục tiêu xây dựng công dân số toàn diện, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong cộng đồng, đảm bảo an toàn cho mọi người khi tham gia không gian mạng.

Trong kỷ nguyên số, thiếu hụt kiến thức công nghệ đồng nghĩa với việc bị gạt ra ngoài lề cuộc sống hiện đại, thậm chí rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo để trục lợi. Do đó tỉnh đang tích cực triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” với mục đích, yêu cầu, giải pháp đặt ra khá toàn diện (Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 26/6/2025). Một trong 7 chỉ tiêu phấn đấu đến 2026 là 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, sử dụng nền tảng và dịch vụ số thiết yếu, có khả năng bảo vệ thông tin cá nhân và an toàn dữ liệu trên môi trường số. 100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để học tập, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số. Công an tỉnh được giao nhiệm vụ tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng; kịp thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng...
Thực tế những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng an toàn cơ bản trên không gian mạng cho người dân đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, bám sát theo Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025” (Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2020). Trên cơ sở đó, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh và các địa phương đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng. Mục tiêu là giúp mỗi người sử dụng mạng internet có nhận thức đầy đủ hệ thống các quy định về an toàn thông tin mạng, các hoạt động trên mạng xã hội, nhất là những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng năm 2018.
Mô hình “Sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh, sinh viên” được thí điểm từ tháng 9/2022, dần được nhân rộng trong các nhà trường toàn tỉnh. Trong đó có mở các trang fanpage, nhóm zalo, tăng cường sử dụng các ứng dụng Microsoft Teams, Zoom... để giúp học sinh, sinh viên biết cách khai thác tối ưu không gian mạng cho công việc, học tập. Đồng thời mở thêm những kênh tuyên truyền thông tin hữu ích; cảnh báo những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc tác động xấu đến nhận thức, hành vi của học sinh, sinh viên... để đấu tranh từ sớm, phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa nhà trường với học sinh, phụ huynh.
An toàn trên không gian mạng được củng cố khi mỗi người dân được trang bị kiến thức để ứng xử văn minh khi truy cập, đồng thời có ý thức chủ động cảnh giác trước các thông tin độc hại, thủ đoạn sai trái của các loại tội phạm.
Lấy cảm hứng từ phong trào "Bình dân học vụ" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945 nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí, phong trào "Bình dân học vụ số" hiện nay đang được triển khai với mục tiêu giúp người dân, đặc biệt là những đối tượng ít có điều kiện tiếp cận công nghệ, có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ số, từ đó tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số, xã hội số. Khi mỗi người dân làm chủ công nghệ, xã hội sẽ tiến nhanh hơn trên con đường hiện đại hóa.
|
Ý kiến ()