
Đại biểu Quốc hội đề nghị không kỷ luật người nghiên cứu khoa học nếu thất bại
Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với người nghiên cứu khoa học nếu thất bại khi đã thực hiện đúng các quy định.
Sửa quy định để khuyến khích đổi mới sáng tạo hợp pháp
Chiều 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Một trong các nội dung đáng chú ý nhận được nhiều sự quan tâm thảo luận là quy định chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nêu ý kiến về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) cho hay, dự thảo luật quy định loại trừ trách nhiệm của hai nhóm chủ thể là cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm, tổ chức, cá nhân trực tiếp thẩm định, cấp phép, kiểm soát, đánh giá, thử nghiệm và tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép thực hiện.

Theo đại biểu, các chủ thể này không phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của dự thảo luật, không bị xử phạt vi phạm hành chính, cũng như không phải chịu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp theo quy định.
Ông Tú phân tích, như vậy, theo dự thảo luật có các loại trách nhiệm được loại trừ là trách nhiệm dân sự, hành chính và hình sự.
“Tôi nhận thấy trong pháp lý có 4 loại trách nhiệm, bên cạnh 3 loại trách nhiệm pháp lý nêu trên, còn một loại trách nhiệm pháp lý nữa đó là trách nhiệm kỷ luật. Việc không quy định xem xét loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với hai nhóm chủ thể nêu trên dẫn đến các chủ đề này thực hiện đúng, đủ các quy định về thử nghiệm theo quy định nhưng khi thiệt hại xảy ra có thể vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật”, đại biểu phân tích.
Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo luật việc loại trừ trách nhiệm kỷ luật đối với 2 nhóm chủ thể nêu trên khi đã thực hiện đúng, đủ các quy định thử nghiệm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm rất quan trọng, phải được xác định rõ trong luật.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các tiêu chí lựa chọn dự án thử nghiệm như có tính đổi mới sáng tạo cao, ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, hoặc công nghệ xanh.
Theo đại biểu, điểm c khoản 1 Điều 21 dự thảo luật quy định miễn trách nhiệm hình sự; điểm c khoản 2 điều này cho phép sử dụng trách nhiệm dân sự thay thế cho trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, dự thảo lại không có quy định cụ thể về tiêu chí, thẩm quyền quyết định việc miễn trừ.
Do đó, ông Nghĩa đề nghị bổ sung, đồng thời sửa đổi quy định tương ứng trong Bộ luật Hình sự để một mặt khuyến khích đổi mới sáng tạo hợp pháp, mặt khác không bỏ lọt tội phạm và tránh tình trạng thử nghiệm tràn lan, gây nguy hại cho xã hội.
Đại biểu cũng nói thêm về nguyên tắc đổi mới sáng tạo trong xây dựng chính sách, pháp luật. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nguyên tắc đổi mới sáng tạo là một công cụ mạnh mẽ, hiệu quả để xây dựng một môi trường pháp lý hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Do vậy, đại biểu Đoàn Lạng Sơn đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định bắt buộc đánh giá tác động của các đề xuất chính sách, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đối với khả năng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và xã hội.
Về phần mình, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho biết, dự thảo luật có hướng dẫn triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo từng loại hình công nghệ và lĩnh vực.

Theo nữ đại biểu, đây là cơ chế cho phép thử cái mới, có rủi ro thì kiểm soát, có sai thì sửa, không bị phạt ngay, là cánh cửa rất quan trọng để các mô hình, công nghệ mới ra đời và lớn lên.
Đại biểu nêu thực tế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ tại địa phương, có thực trạng đáng lo ngại khi nhiều đề tài nghiên cứu sau khi nghiệm thu không được ứng dụng vào thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực và làm suy giảm niềm tin vào hiệu quả đầu tư cho khoa học.
Lần đầu tiên quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được đưa vào quy định trong luật, cho phép Chính phủ quy định chi tiết về từng loại hình, lĩnh vực, đối tượng thử nghiệm, tạo khung pháp lý chung, áp dụng đa lĩnh vực, đặc biệt trong công nghệ mới như AI, ứng dụng y tế số, chuyển đổi số...
Nhấn mạnh đây là cánh cửa rất quan trọng để các mô hình, công nghệ mới ra đời và phát triển, nhưng để thực sự phát huy đúng ý nghĩa đề ra, đại biểu đề nghị cần luật hóa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, thống nhất.
Ngoài ra, cần tăng cường vai trò điều phối của Chính phủ và trách nhiệm phối hợp liên ngành, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia thử nghiệm được minh định, an toàn pháp lý.
Tăng tự chủ nhưng cần nâng cao trách nhiệm giải trình

Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, lần đầu tiên đổi mới sáng tạo được đưa vào dự thảo luật và được đặt ngang hàng với khoa học, công nghệ.
Bộ trưởng cho hay, điều này thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển của Việt Nam, theo đó nhấn mạnh vai trò thúc đẩy ứng dụng của khoa học, công nghệ trong thực tiễn, góp phần gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế-xã hội.
“Nếu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được kỳ vọng đóng góp 4% vào tăng trưởng GDP thì phần đóng góp từ đổi mới sáng tạo chiếm 3%, trong khi khoa học công nghệ chiếm 1%, qua đó phản ánh rõ vai trò lan tỏa, thực tiễn và mang tính toàn dân của đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế hiện đại. Các đại biểu yêu cầu cần đầu tư thêm cho nội dung đổi mới sáng tạo trong luật, chúng tôi thấy rất đúng, xin được phép tiếp thu hoàn thiện”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Về góp ý phải có quy định về quản trị rủi ro trong hoạt động nghiên cứu, Bộ trưởng cho rằng, trọng tâm của quản lý Nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả nghiên cứu và tác động thực tiễn đến phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm đo lường hiệu quả tổng thể của các chương trình, các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đồng thời lấy kết quả làm căn cứ để phân bổ nguồn lực trong đó; các tổ chức khoa học, công nghệ được cấp tiếp các đề tài nếu chứng minh được hiệu quả của các kết quả nghiên cứu trước đó.

“Chúng tôi cũng đánh giá đây là một điểm mới quan trọng, đó là Bộ Khoa học và Công nghệ phải đo lường được hiệu quả. Trước đây chúng ta chi khoảng 2% ngân sách cho khoa học, công nghệ, nhưng nói chung chưa được 1%, chỉ vào khoảng 16.000 tỷ đồng một năm, còn bây giờ chi khoảng 50.000 tỷ đồng một năm mà không đánh giá được hiệu quả, không đánh giá được tác động vào nền kinh tế, thậm chí chúng ta còn đặt mục tiêu nếu tính cả đổi mới sáng tạo là 4% tăng trưởng thì công cụ đo lường rất quan trọng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, dự thảo luật tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ quản lý bộ máy chi tiêu theo cơ chế khoán chi, nhưng đi kèm là yêu cầu nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch trong sử dụng nguồn lực.
Đặc biệt, tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ được quyền sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, tiền Nhà nước có thể chi ra cho nghiên cứu nhưng kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu của tổ chức nghiên cứu.
Người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu là 30% từ phần thu nhập do kết quả nghiên cứu mang lại khi thương mại hóa và được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với khoản thu nhập này.
Ngoài ra, lần đầu tiên dự thảo luật có một chương riêng để dành để quy định về các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp được trao quyền và khuyến khích mạnh mẽ để đầu tư cho nghiên cứu phát triển không chỉ bằng nguồn lực của mình mà còn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thông qua các chính sách tài chính “mồi” của Nhà nước.
“Nếu trước đây, ngân sách nhà nước tài trợ cho nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp chỉ được khoảng dưới 10% thì thời gian tới sẽ là 70%, 80%”, Bộ trưởng nêu rõ.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cho phép doanh nghiệp được hạch toán các khoản chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp như là chi phí sản xuất kinh doanh không còn giới hạn mức tối đa.
Trước đây chỉ khoảng 1% doanh thu là được chi cho nghiên cứu phát triển và chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có lãi. Các khoản chi này còn được tính khấu trừ thuế với hệ số ưu đãi là 150% và có thể lên đến 200% nếu đầu tư vào các công nghệ chiến lược, ông Hùng khẳng định.
Ý kiến ()