Quyết tâm "về đích sớm” trong lập Quy hoạch tỉnh
Trong những năm vừa qua, Quảng Ninh không ngừng nỗ lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH trên cơ sở bám sát các quy hoạch chiến lược dài hạn, tạo đột phá và hành lang thuận lợi cho các thành phần kinh tế “cất cánh”. Tiếp nối những thành công đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được đẩy nhanh thực hiện và đã cơ bản hoàn thành, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để tiếp thu, hoàn thiện, báo cáo Hội đồng thẩm định, sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Năm 2012, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước xác định tầm quan trọng của công tác xây dựng quy hoạch chiến lược, cũng là địa phương hiếm hoi huy động được hàng trăm tỷ đồng vốn xã hội hóa để xây dựng quy hoạch. Lãnh đạo tỉnh thời kỳ đó thể hiện sự táo bạo, đột phá một cách khoa học khi mời những đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới đến Quảng Ninh nghiên cứu và lập quy hoạch. Đó là các hãng tư vấn tên tuổi như McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)...
Đến năm 2014, Quảng Ninh đã công bố công khai 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đây, tỉnh đã xác định rõ không gian phát triển theo hướng “Một tâm - hai tuyến - đa chiều” với 2 mũi đột phá là KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái. Tâm TP Hạ Long là trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh, tuyến hành lang Đông - Tây được ví là “đôi cánh” để Quảng Ninh hiện thực hoá mục tiêu phát triển nhanh, mạnh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng phía Bắc của đất nước.
Sau một thập kỷ nhìn nhận và đánh giá, Quảng Ninh cho thấy đang đi đúng hướng theo các quy hoạch đã được lập, công bố và phát huy hiệu quả. Các quy hoạch không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển, là công cụ của công tác quản lý nhà nước, khung pháp lý cho việc đầu tư các lĩnh vực, là cơ sở để các cấp, ngành lập kế hoạch xây dựng những chương trình, dự án phát triển KT-XH, giải phóng các tiềm năng, thế mạnh, mà còn là động lực quan trọng để thu hút các nhà đầu tư. Đáng chú ý, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thể hiện tầm nhìn xa của tỉnh Quảng Ninh trong chiến lược phát triển bền vững.
Từ những thành công bứt phá trong công tác lập quy hoạch, nhất là Quy hoạch tỉnh, coi đó là nền tảng triển khai các quy hoạch chuyên ngành tại địa phương, là công cụ quan trọng để phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường và thúc đẩy việc huy động các nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển, góp phần thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch, trong đó Trưởng ban là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lựa chọn đơn vị tư vấn có uy tín, chất lượng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quy hoạch là Mckinsey tham gia triển khai.
Tư vấn Mckinsey cũng đã ký hợp đồng với tư vấn Nikken Sekkei để triển khai các nội dung về quy hoạch xây dựng, sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh. Đến nay, Quy hoạch đã cơ bản hoàn thành, đang báo cáo xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để tiếp thu, hoàn thiện, báo cáo Hội đồng thẩm định, sớm trình Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 sẽ hướng đến mục tiêu: “Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế” vào năm 2030. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh.
Đến nay, Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch đã tổ chức nhiều cuộc họp, trong đó có đến hơn 60 cuộc họp với tổ công tác và đơn vị tư vấn, gần 250 cuộc họp chuyên đề giữa các chuyên gia và các sở, ngành, địa phương, gần 40 cuộc khảo sát chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch đã thực hiện gửi lấy ý kiến tham gia của 19 đơn vị bộ, ngành Trung ương; 12 tỉnh, thành phố trong vùng và lân cận theo quy định. Trong đó, trực tiếp làm việc với 3 bộ gồm: Xây dựng, KH&ĐT, TN&MT. Quá trình làm việc, các bộ trưởng đều đánh giá cao nội dung đồ án quy hoạch của tỉnh, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong công tác triển khai lập quy hoạch, cũng như quyết tâm của tỉnh trong việc đưa ra các mục tiêu, định hướng và các giải pháp triển khai Quy hoạch tỉnh rất bài bản, kỹ lưỡng.
Cùng với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch chung xây dựng KKT và các địa phương cũng đã được đẩy nhanh tiến độ. Trong tương lai, khi xu hướng chuyển dịch các chuỗi giá trị toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, Quảng Ninh sẽ nằm ở một vị trí có nhiều lợi thế về mọi mặt để bắt kịp và hòa mình vào sự chuyển dịch đó. Và chắc chắn làn sóng đầu tư sẽ tiếp tục đổ về tỉnh.
Như vậy, có thể thấy vai trò của các quy hoạch rất quan trọng, đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, hiệu quả, phù hợp, chất lượng. Các quy hoạch được công khai, minh bạch trong một tổng thể phát triển dài hạn, giúp tỉnh loại bỏ cách làm manh mún, cục bộ. Việc sớm triển khai các quy hoạch chiến lược, sự vào cuộc tích cực từ tỉnh đến cấp huyện, đồng bộ khớp nối từ ý tưởng tới các quy hoạch với nhau, đã tạo ra nền tảng quan trọng cho sự phát triển và xây dựng thương hiệu Quảng Ninh. Qua đó, góp phần tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là tính ưu việt, là điểm khác biệt trong thu hút đầu tư của Quảng Ninh.
Ý kiến ()