Cơ hội phát triển mới từ Quy hoạch tổng thể quốc gia
Trong 2 ngày 5 và 6/1, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược, xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
Đây cũng là lần đầu Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng dựa trên căn cứ Luật Quy hoạch; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021-2030, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới.
Khi Quy hoạch được Quốc hội thông qua sẽ là nền móng cho công tác lập các quy hoạch vùng, địa phương, ngành, đồng thời là cơ hội cho sự phát triển. Về định hướng tổ chức không gian theo vùng, lãnh thổ, trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, Quy hoạch lựa chọn một số địa bàn có điều kiện thuận lợi nhất để hình thành các vùng động lực quốc gia, bao gồm: Vùng động lực phía bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); vùng động lực phía nam (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu); vùng động lực miền Trung (khu vực ven biển Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi) và vùng động lực Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng tương ứng của mỗi vùng là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại các vùng Trung du và miền núi phía bắc, khu vực Bắc Trung Bộ, vùng Tây Nguyên. Đặc biệt, trong quy hoạch phát triển các hành lang kinh tế ưu tiên trong giai đoạn đến năm 2030: Hành lang kinh tế Bắc - Nam và 2 hành lang kinh tế Đông - Tây (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh - Vũng Tàu).
Với việc nằm trong vùng động lực quốc gia và hành lang kinh tế ưu tiên trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quảng Ninh sẽ có nhiều cơ hội khơi dậy tiềm năng và phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Bởi lẽ Quy hoạch đã xác định các cơ chế chính sách, khơi dậy tiềm năng và phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, hình thành các đầu tầu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Trong đó, xây dựng vùng động lực phía Bắc trở thành trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia; đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao; các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; trung tâm kinh tế biển với các ngành vận tải biển, du lịch biển đảo, kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới. Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là trục kết nối chủ đạo của vùng động lực phía Bắc và kết nối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn của cả nước; thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam và khu vực phía Tây Nam Trung Quốc.
Ý kiến ()