Chuyện ở Đồng Bống...
Trên trang 4, Báo Quảng Ninh số ra hôm nay (29-7-2014) có đăng bài “Tái diễn tình trạng chặt phá hoa màu của người dân thôn Đồng Bống”. Bài báo nêu sự việc vườn thanh long với hơn 100 trụ của một hộ dân ở thôn Đồng Bống, phường Vàng Danh, TP Uông Bí bị kẻ xấu phá hoại chỉ trong một đêm. Và, đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên ở địa bàn này xảy ra tình trạng trên; trước đó, đã có một số hộ dân phải gánh chịu thiệt hại do bị phá vườn nhãn, vườn hồng, ruộng lúa, vườn mía… Vậy, nguyên nhân ở đâu?
Trước khi có kết quả điều tra từ phía cơ quan công an, không thể không nói tới vấn đề đoàn kết ở khu dân cư trong câu chuyện của Đồng Bống. Chính Bí thư Đảng uỷ phường Vàng Danh, Nguyễn Thái Bình cũng tỏ rõ sự đồng tình với nhận định trên khi trao đổi về vụ chặt phá vườn thanh long vừa xảy ra cũng như hàng loạt các sự việc trước đó. Theo đồng chí Nguyễn Thái Bình, cũng vì thế mà nhiều năm liền Đồng Bống “trượt” danh hiệu thôn văn hoá và mãi đến 2013 mới được công nhận.
Với một thôn chỉ khoảng 30 hộ, không khó để xây dựng khối đoàn kết khu dân cư; và có lẽ cũng không khó để nhận diện sự bất ổn trong mối quan hệ làng xóm. Được biết, Đảng uỷ phường đã ra Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ hoa màu đồng thời với giải pháp này là yêu cầu toàn hệ thống chính trị vào cuộc để vừa đấu tranh với các hành động sai trái, vừa tuyên truyền, vận động người dân vì lợi ích chung.
Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận, trong cuộc sống và thực tế đã xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc chỉ bởi lòng đố kỵ, nhỏ nhen theo kiểu “ghen ăn, tức ở”. Và cách hành xử của mỗi cá nhân trong trường hợp này tuỳ thuộc vào môi trường cụ thể. Do vậy, sẽ không thể có một đáp án chung cho dù điểm khởi phát nguyên nhân là giống nhau. Xin ví dụ cụ thể như ở Đồng Bống, phải tìm hiểu được căn nguyên trong chuyện dân cư ở thôn chưa thực sự đoàn kết. Bởi nếu họ cùng đồng lòng bảo vệ hoa màu của nhau thì sớm muộn gì kẻ xấu dù ở đâu cũng bị “tóm”.
Từ việc ở Đồng Bống cho thấy, xây dựng khối đoàn kết ở khu dân cư không chỉ là phong trào bề nổi mà nó thực sự ý nghĩa với chiều sâu vốn mang tính lịch sử. Đó là yếu tố cấu kết nên làng, xã trong đời sống văn hoá bao đời nay của nhân dân ta. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay lại càng không thể để tồn tại câu chuyện như ở Đồng Bống.
Ngọc Lê
Ý kiến ()