
Hướng đến thành phố du lịch thông minh
Đề án “Số hóa và truyền thông quảng bá du lịch trên các nền tảng số” của thành phố là một trong những thành tựu mới, trọng tâm của ngành Du lịch địa phương, được triển khai năm 2024, nhằm mang lại trải nghiệm phong phú và hiện đại cho du khách. Theo đó, các tài nguyên tự nhiên và văn hóa sẽ được chuyển đổi thành các định dạng kỹ thuật số như ảnh 3D, video 360 độ và bản đồ du lịch tương tác; giới thiệu tổng thể về du lịch Uông Bí, các điểm tài nguyên và khu, điểm du lịch cụ thể. Điều này không chỉ giúp bảo tồn di tích và tài nguyên, mà còn cho phép du khách khám phá thuận tiện cảnh quan, văn hóa và lịch sử của Uông Bí từ xa qua các nền tảng như Facebook, Instagram, YouTube.
Thành phố đã xây dựng và đưa vào khai thác sản phẩm tham quan thực tế ảo VR360° Yên Tử, tổ chức ra mắt sản phẩm hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10. Bản đồ số hóa VR360° tại Khu di tích Yên Tử được thiết kế sử dụng thuyết minh song ngữ Việt - Anh để quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên nổi bật của Yên Tử trong hành trình đề cử Di sản thế giới. Kèm theo đó là công nghệ phần mềm giúp tái tạo mô phỏng không gian từ ảnh 360° trở thành một không gian số, có thể truy xuất và trải nghiệm bằng các thiết bị hình ảnh, như kính thực tế ảo, máy tính, điện thoại thông minh…

Năm 2024 thành phố đầu tư 2 tỷ đồng để đưa vào sử dụng 2 Đề án số hóa về du lịch. Ngoài Đề án “Số hóa và truyền thông quảng bá du lịch trên các nền tảng số” và ứng dụng thực tế ảo VR360° Yên Tử, địa phương đã triển khai Đề án xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu du lịch với 3 yếu tố cốt lõi được thiết kế, xây dựng gồm: Tên thương hiệu - Slogan - Logo. Theo đó thành phố sẽ đăng ký bản quyền tác giả và triển khai ứng dụng Bộ nhận diện thương hiệu du lịch TPUông Bí trên các ấn phẩm quảng cáo du lịch.
Chuyển đổi số trong du lịch không chỉ phục vụ du khách, mà còn hỗ trợ cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch. Bằng cách số hóa dữ liệu về địa điểm, khách sạn, nhà hàng và dịch vụ, thành phố sẽ có một hệ thống thông tin nhất quán, dễ cập nhật, giúp quản lý hiệu quả và đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) giúp thành phố hiểu hành vi du khách, đánh giá mức độ hài lòng, điều chỉnh chiến lược phát triển du lịch.
Theo ông Lê Trọng Thanh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, thời gian qua các sản phẩm số hóa như tour tham quan ảo, ứng dụng đặt vé và hướng dẫn giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin khi đến Yên Tử và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong công tác quản lý; hình thành hệ sinh thái kinh tế bền vững.

Là địa phương sở hữu tiềm năng du lịch lớn với nhiều di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên phong phú, Uông Bí được biết đến là điểm đến du lịch hấp dẫn của Quảng Ninh. Đặc biệt, khu di tích Yên Tử, chùa Ba Vàng cùng các danh thắng như hồ Yên Trung, thác Lựng Xanh và đỉnh Bình Hương không chỉ thu hút du khách trong nước, mà còn có tiềm năng đón khách quốc tế. Với việc xác định du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, thành phố sẽ tiếp tục ứng dụng số hóa nhằm tạo bước tiến mới trong du lịch.
Trước mắt, thành phố đầu tư nâng cấp hạ tầng số, bao gồm wifi miễn phí tại các điểm du lịch, lắp đặt biển chỉ dẫn thông minh và xây dựng bản đồ du lịch điện tử; đào tạo, tập huấn kỹ năng số hóa cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, dịch vụ.
Ông Phạm Xuân Thành, Trưởng Phòng VHTT thành phố, cho biết: Để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển bền vững ngành Du lịch, một số mục tiêu được địa phương xác định trong chuyển đổi số bao gồm: Xây dựng và phát triển một hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch thống nhất giúp kết nối, liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; Tập trung hệ tài nguyên số, dữ liệu số dùng chung; Gia tăng trải nghiệm du lịch thông minh, mang đến cho du khách nhiều tiện lợi, từ việc tìm thông tin, lên ý tưởng tới việc đặt, giao dịch và thanh toán điện tử. Sự hợp tác giữa thành phố và doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm số hóa sẽ là động lực giúp Uông Bí đạt mục tiêu trở thành thành phố du lịch thông minh vào năm 2030.
Ý kiến ()