Chuyển chiến lược thu dung điều trị F0 từ tuyến tỉnh về tuyến huyện, xã
Ngày 30/10, UBND tỉnh họp trực tuyến triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện phương án đảm bảo y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch cấp xã, cấp huyện theo Chỉ thị số 18–CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Theo dự thảo Phương án đảm bảo y tế phục vụ công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 18 được Sở Y tế xây dựng, để đáp ứng mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh”, ưu tiên “Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân”, việc quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn hiện nay sẽ chuyển chiến lược thu dung điều trị F0 từ tuyến tỉnh về tuyến huyện, xã; được tổ chức theo từng cấp độ dịch; từng đơn vị hành chính thay vì chỉ tập trung tại các cơ sở y tế cấp tỉnh.
Cụ thể, toàn tỉnh sẽ thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị tại tất cả các cơ sở y tế có giường bệnh cả tuyến huyện và tuyến tỉnh; tiếp tục phân tháp điều trị 3 tầng từ nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch. Ở cấp tỉnh bao gồm Bệnh viện Số 1, Số 2, Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi tiếp nhận bệnh nhân trên địa bàn và ưu tiên thu dung điều trị bệnh nhân nặng ở tầng tháp 3 và các F0 có bệnh lý nền phức tạp. Các tầng tháp còn lại sẽ theo mức độ bệnh áp dụng điều trị tại các cơ sở y tế tuyến huyện.
Khi dịch bệnh ở cấp độ 3, 4 (được tính toán theo công thức tỷ lệ giữa ca mắc/quy mô dân số/tỷ lệ tiêm chủng vắc xin) từ đó kích hoạt quản lý, chăm sóc, điều trị các trường hợp người nhiễm COVID-19 không triệu chứng tại nơi lưu trú. Để làm được điều này, các địa phương phải đưa vào vận hành ngay mô hình Trạm Y tế lưu động kết hợp với Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng.
Qua thảo luận tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. Trên cơ sở đánh giá chính xác nhất nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực của địa phương; trên quy mô dân số xác định cụ thể các cấp độ dịch bệnh, từng xã, huyện xây dựng phương án y tế phù hợp với thực tiễn địa phương. Các phương án cần chi tiết đến từng vị trí nhiệm vụ, từng nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, quy trình tổ chức tiếp nhận, vận chuyển F0… theo từng cấp độ dịch bệnh.
Để chuẩn bị cho điều trị F0 tại nhà, các xã, phường kiện toàn Trạm Y tế lưu động, Tổ chăm sóc F0 cộng đồng; xây dựng cơ sở dữ liệu về điều kiện điều trị F0 tại nhà, bao gồm cả cơ sở vật chất, dữ liệu sức khỏe đến từng nhân khẩu. Sở Y tế chịu trách nhiệm xây dựng Bộ tiêu chí các điều kiện đảm bảo an toàn cho điều trị F0 tại nhà làm căn cứ rà soát. Sở Thông tin Truyền thông xây dựng phương án quản lý F0 ứng dụng CNTT giảm tránh tiếp xúc và kịp thời xử lý các ca bệnh diễn biến nặng. Trong bối cảnh điều trị F0 tại nhà, Sở Công thương cần tiếp tục tính toán phương án hậu cần tại chỗ.
Trước ngày 3/11, các địa phương xây dựng dự thảo phương án y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo các cấp độ dịch gửi về Sở Y tế thẩm định. Ngày 5/11, Sở Y tế phải gửi về UBND tỉnh phê duyệt phương án cho từng địa phương.
Ý kiến ()