Chuyện ba nhà
Theo Hội Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thì Quảng Ninh không phải là địa phương trồng nhiều cây dó bầu. Hiện nay cả nước có hơn 18.000 ha cây dó bầu, phân bổ ở cả 3 miền, trong đó trồng tập trung ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum, Bình Phước, An Giang, Kiên Giang.
Mới đây, trao đổi với phóng viên báo Quảng Ninh, ông Triệu Tài Cao, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, người được mệnh danh là “thuỷ tổ” của nghề trồng dó bầu ở huyện cho rằng: “Hiện nay, chưa biết giá trị của việc tạo trầm hương nhân tạo và đầu ra của sản phẩm này như thế nào. Vì thế khi có nhiều người đến mua cây giống, dù muốn bán được nhiều, nhưng tôi vẫn khuyên họ không nên trồng đại trà, nếu không có thị trường tiêu thụ. Tôi chỉ mong, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để nghiên cứu một cách toàn diện về loại cây này, cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ để định hướng cho nông dân”.
Theo một cán bộ của Chi cục Phát triển lâm nghiệp Quảng Ninh thì ở Quảng Ninh không khuyến khích trồng cây dó bầu. Một đồng chí lãnh đạo huyện Hoành Bồ cũng khẳng định huyện không khuyến khích người dân trồng cây dó bầu.
Thế nhưng tại một cuộc hội thảo về thực trạng khả năng tạo trầm trên cây dó bầu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội ngày 23-10 mới đây đã khẳng định Việt Nam có nhiều khả năng phát triển cây dó bầu. Hiện có tới 167 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia thị trường buôn bán và sử dụng tinh dầu trầm, nhưng sản phẩm của Việt Nam mới tiếp cận được 22 thị trường, mới chiếm thị phần 1,16% và chủ yếu bán qua trung gian nên giá cả thấp hơn nhiều so với giá thị trường chung.
Nhà khoa học khuyến khích bà con nông dân nuôi con gì, trồng cây gì phải rất thận trọng, không thể “thí nghiệm trên lưng người nông dân”. Nhà doanh nghiệp cần khơi nguồn thị trường để cam kết với nhà nông về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chúng ta không thể để tiếp diễn tình trạng nhà nông làm ăn theo kiểu “đánh bạc với trời”!
Ý kiến ()