Chủ quan + coi thường = lây lan dịch bệnh
Điều đáng nói ở đây là đàn lợn đã mắc bệnh từ ngày 13-6 nhưng vì chủ quan, coi thường nên các hộ đã tự ý giữ lại chữa trị, khi không khỏi và lan rộng, đến ngày 3-7 mớithông báo cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương. Qua đây cũng cho thấy ngoài ý thức phòng, chống bệnh dịch kém của người chăn nuôi còn có sự thiếu sâu sát của lực lượng cán bộ, nhân viên thú y địa phương. Vì vậy khi người dân không tự giác khai báo thì cán bộ thú y cũng không phát hiện ra.
Từ các vụ tái phát dịch bệnh lở mồm long móng và tai xanh ở đàn trâu, bò và lợn trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây cho thấy công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của chính quyền địa phương và người dân còn nhiều yếu kém, hạn chế. Nơi thì không tiêm phòng vắc xin đầy đủ, nơi thì giấu bệnh dẫn tới hậu quả dịch bệnh có nguy cơ lây lan ra diện rộng.
Thời tiết diễn biến bất thường cộng với môi trường bị ô nhiễm là những yếu tố, điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và tái phát. Với thực tế đó nếu người dân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng có ý thức phòng, chống dịch bệnh cao thì nguy cơ tái phát và lây lan dịch là rất thấp. Ngược lại, nếu chủ quan, lơ là và coi thường thì dịch bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và mức độ lây lan là rất lớn.Từ thực tế các dịch bệnh vừa tái phát đòi hỏi nhiệm vụ và trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm phải được nâng cao hơn nữa và phải được triển khai sâu rộng đến từng hộ chăn nuôi nói riêng và người dân nói chung. Hậu quả do dịch bệnh gây ra mọi người chúng ta đều đã hiểu rõ. Vấn đề quan trọng là bằng mọi nỗ lực, mọi cách để ngăn chặn, phòng ngừa không để xảy ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Ý kiến ()