Chỉ số giá chứng khoán biến động theo hướng nào?
Đáng lưu ý những kỷ lục và danh hiệu này đạt được khi đã có những cảnh báo của những chuyên gia, những nhà đầu tư chuyên nghiệp, những cơ quan quản lý, rồi đến của Quỹ Tiền tệ quốc tế và ngay cả khi thị trường chứng khoán quốc tế “đao” xuống. Các chuyên gia - thường là các trí thức mà các cụ đã dạy "phi trí bất hưng" - dù có khuyến cáo, nhưng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ lúc này giống như "ông lão đánh cá" đã bắt được "con cá vàng", đâu có nghe, thậm chí còn chê các chuyên gia là những người không tiền, chỉ có lý thuyết mà không có thực tiễn; nếu có tiền thì cũng "nhát chết", đâu có dám mua vào bán ra, cho rằng "người trèo cây chẳng sợ ngã", người ở dưới gốc lại cứ sợ, đã thế còn gọi với lên "xuống đi kẻo ngã chết"! Các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí là các đại gia, giống như các võ sĩ nhà nghề dày dạn kinh nghiệm, thường thắng lớn do mua vào khi giá xuống thấp và dừng lại hoặc bán ra khi giá lên cao, kỳ này do nhiều người cũng đứng ngoài xem xét, đôi khi cũng vì ngán ngại đối với "võ say" (một thứ võ đánh đấm chẳng theo bài bản gì), nhưng các "võ say" lại đánh đâu thắng đó, chơi cao (mã chứng khoán có thị giá cao) cũng thắng, chơi thấp (mã chứng khoán có thị giá thấp) cũng thắng, nên các "võ say" cũng đâu có nghe các khuyến cáo của họ?! Các cơ quan quản lý cảnh báo, thì các "võ say" cũng cho đó là sự lo lắng thái quá, chỉ là sự lo lắng "vĩ mô", thậm chí họ còn tin rằng thị trường sẽ bền vững vì có Nhà nước đứng đằng sau, nhưng họ đâu có biết Nhà nước chỉ có thể bảo đảm chung cho thị trường tiếp tục phát triển (như số công ty niêm yết sẽ tăng lên, Nhà nước sẽ không có biện pháp hành chính làm cho các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài rút vốn ồ ạt, giá trị vốn hóa thị trường vẫn tăng), còn chỉ số giá chứng khoán là vấn đề khách quan, phụ thuộc vào quy luật giá trị (trong khi giá cả của hầu hết chứng khoán đã vượt quá xa giá trị thực), phụ thuộc vào quy luật cung - cầu (trong khi cầu thì vẫn tăng phi mã, còn cung thì tăng chậm), đâu có phụ thuộc vào ý chí của con người? Nếu phụ thuộc vào ý chí con người, ngay cả của các cơ quan nhà nước, thì đã chẳng xảy ra tới mấy cơn sốt nóng, lạnh chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm qua và ngay của cả giá chứng khoán (cũng đã từng phi mã từ 100 điểm lên 571 điểm sau 6 tháng đầu khi thị trường chứng khoán ra đời, rồi gần như lăn xuống dốc còn 130 điểm trong thời gian sau đó, rồi sốt lạnh đến mấy năm, rồi phi mã trong 5 tháng đầu năm 2006 từ 304 điểm lên 632 điểm, lại lăn xuống còn 400 điểm và phi mã lên đỉnh cao ngất ngưởng gần 1200). Đối với khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế, nhiều nhà đầu tư cũng cho là không có gì mới, thậm chí còn cho là chung chung. Ngay cả khi chỉ số chứng khoán thế giới “đao” xuống, các nhà đầu tư vẫn cho rằng chẳng liên quan gì và thực tế chỉ số chứng khoán của Việt Nam cũng chỉ giảm nhẹ, sau đó lại tăng lên. Nhưng thực tế chỉ số chứng khoán đã bắt đầu đảo chiều (VN-Index ngày 13/3 giảm 12,4 điểm, ngày 14/3 giảm tới 44 điểm, ngày 15/3 giảm 48,69 điểm, ngày 16/3 tăng 44,24 điểm; HASTC ngày 13/3 giảm 7,8 điểm, ngày 14/3 giảm tiếp, ngày 15/3 giảm 11 điểm, ngày 16/3 tăng trở lại). Mặc dù chỉ số giá chứng khoán mới giảm có ba ngày, sau đó tăng trở lại, nhưng theo dự đoán của các chuyên gia thì chỉ số giá chứng khoán đã bắt đầu đảo chiều, thậm chí có chuyên gia còn dự đoán chỉ số chứng khoán đã vượt qua đỉnh sang dốc bên kia! Theo các chuyên gia này, chỉ số giá chứng khoán đã đảo chiều hay đã vượt qua đỉnh sang dốc bên kia do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân cơ bản là thị giá chứng khoán đã vượt quá xa giá trị thực của nó, trước sau nó cũng phải giảm để bớt vượt quá xa giá trị thực. Có nguyên nhân do chỉ số giá chứng khoán trên thế giới gần như đồng loạt đảo chiều lần thứ hai trong vòng hơn một tuần (tuy các nhà đầu tư Việt Nam chưa tham gia thị trường chứng khoán quốc tế nhưng ảnh hưởng đến nhiều nhà đầu tư quốc tế hiện đang đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam); trên thực tế các nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều hơn mua. Có nguyên nhân do nhiều nhà đầu tư thắng lớn trong thời gian qua đã có dấu hiệu chuyển lãi, thậm chí cả vốn từ thị trường chứng khoán sang kênh đầu tư khác đang có dấu hiệu ấm nóng (như bất động sản chẳng hạn). Có nguyên nhân do nhiều cổ đông nội bộ, cổ đông lớn bán ra mạnh; các nhà đầu tư nhỏ lẻ sợ rủi ro đã bán theo... Nói đảo chiều hay nói vượt qua đỉnh sang dốc bên kia là nói về chỉ số giá chứng khoán, còn thị trường chứng khoán nói chung vẫn phát triển, tức là số công ty niêm yết, số nhà đầu tư, giá trị vốn hóa thị trường thì vẫn trong xu thế tăng lên. Nói đảo chiều, nhưng chỉ số giá chứng khoán vẫn biến động theo hình răng cưa (lúc tăng lúc giảm), chỉ khác là xu hướng, tức là cái cưa chúc xuống chứ không phải chúc lên.
Ý kiến ()