Chất lượng nhân lực ngành Du lịch thấp
Theo số liệu của Bộ GD-ĐT thì lao động có trình độ đã qua các lớp đào tạo du lịch từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học - lực lượng lao động trực tiếp phục vụ khách, cung cấp sản phẩm đến người tiêu dùng - mới chỉ chiếm gần 20% lao động toàn ngành. Trong đó số có trình độ đại học và sau đại học chỉ chiếm 7,4% số lao động có chuyên môn về du lịch.
Thực trạng trên đã lý giải vì sao Việt Nam là một đất nước có tiềm năng, thế mạnh về du lịch nhưng tốc độ phát triển còn chậm, nghèo nàn về các sản phẩm du lịch, còn ít các doanh nghiệp du lịch có tiếng tăm. Tuy lượng khách du lịch đến hàng năm đều tăng nhưng thuần tuý mới chỉ là tăng về mặt cơ học, còn chất lượng tăng trưởng vẫn còn hạn chế, chưa vững chắc. Đặc biệt số lượng khách đến từ các quốc gia phát triển, có mức chi tiêu cao còn chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu khách du lịch...
Theo dự báo, đến năm 2010 cả nước sẽ đón tiếp từ 5,5 đến 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và khoảng 25 triệu khách nội địa. Để có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu thực tế, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo thì các cơ quan quản lý phải lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để tìm hiểu họ đang cần gì, thiếu gì. Từ đó các cơ sở đào tạo triển khai hợp tác đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, theo đơn đặt hàng của người sử dụng lao động.
Quảng Ninh là một trong các trung tâm du lịch lớn của cả nước, có nhiều lợi thế để phát triển du lịch mà nhiều địa phương khác thèm muốn. Thế nhưng chất lượng nguồn nhân lực du lịch cũng không nằm ngoài thực trạng chung của cả nước, thậm chí có nhiều mặt còn kém hơn các địa phương có ít tiềm năng. Rõ nét nhất là trong việc quy hoạch các điểm, tuyến du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch và đội ngũ hướng dẫn viên. Vì vậy đã đến lúc chúng ta không thể chỉ bằng lòng với số lượng khách mỗi năm một tăng mà phải tạo ra được bước đột phá về chất lượng du lịch bằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Ý kiến ()