Cắt thuốc cho bệnh ''có tiền không tiêu được''
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến hết tháng 9-2007, tình hình giải ngân vốn XDCB của 14 địa phương trong tỉnh và một số dự án của các ngành đạt thấp. Cụ thể: Hạ Long đạt 35% kế hoạch; Cẩm Phả 24,4%; Uông Bí 34,9%; Hoành Bồ 54,4%; Yên Hưng 33%; Đông Triều 38%; Ba Chẽ 57%; Tiên Yên 46%; Bình Liêu 45,4%; Đầm Hà 58,4%; Hải Hà 48%; Vân Đồn 50%; Cô Tô 38%; Móng Cái 55,6%. BQL dự án Vịnh Hạ Long 10%; BQL dự án y tế 15%…
Điều đáng nói là ở các địa phương thuộc diện khó khăn, rất cần sự đầu tư để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đến nay cũng còn hàng loạt công trình, dự án chưa giải ngân được một đồng! Ví dụ: Cô Tô còn 18 công trình với tổng vốn 9 tỷ đồng; Hải Hà 19 công trình-13,4 tỷ; Ba Chẽ 10 công trình-5 tỷ; Bình Liêu 18 công trình-7 tỷ; Tiên Yên 18 công trình-6,5 tỷ…
ấy vậy nhưng khi cơ quan chức năng đặt vấn đề điều chuyển vốn thì hầu hết lãnh đạo các địa phương chỉ đồng ý điều chuyển trong phạm vi địa phương mình, không muốn đồng vốn chạy sang nơi khác. Tâm lý này có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng cứ giữ khư khư đồng vốn được phân bổ mà không đưa vào sử dụng thì giữ làm gì?
Đầu tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phải tổng hợp tình hình, tiến độ triển khai các dự án, công trình ở tất cả các địa phương, ngành và tham mưu cho tỉnh trong việc điều chuyển vốn XDCB. Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đến hết tháng 10, tỉnh sẽ kiên quyết điều chuyển vốn đối với những công trình, dự án không thực hiện hoặc không có khả năng sử dụng hết kế hoạch vốn từ địa phương này sang địa phương khác. Và sang năm 2008, sẽ ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho những địa phương nào thực hiện tốt công tác XDCB. Hy vọng đây sẽ là thuốc đặc trị cho căn bệnh mãn tính trong XDCB.
Ý kiến ()