Cắt giảm chi tiêu
Cụ thể là các bộ, ngành, địa phương rà soát, tính toán cắt giảm hoặc giãn tiến độ các công trình, dự án chưa cấp thiết để tập trung vốn cho các công trình có thể phát huy được tác dụng ngay sau khi hoàn thành. Thực hiện chủ trương này, Quảng Ninh cũng đã rà soát cắt giảm hàng chục dự án, công trình với số vốn được điều chuyển hàng ngàn tỷ đồng. Điển hình là việc dừng thi công dự án Sân vận động thuộc Trung tâm thể thao Quảng Ninh với số vốn dự toán hơn 1.000 tỷ đồng.
Do nỗ lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp nên mục tiêu kiềm chế lạm phát bước đầu đã thu được kết quả. Tỷ lệ nhập siêu đã giảm so với thời gian trước đó. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 cũng đã hạ nhiệt (tăng 1,13%). Tình trạng đầu cơ, găm hàng để đẩy giá lên cao thu lời bất chính đã được chú ý ngăn chặn... Đặc biệt từ sau khi Nhà nước có quyết định tăng giá xăng, dầu (ngày 21-7) để tiệm cận với giá thị trường và khu vực, hạn chế khoản bù lỗ lớn nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đã phải tính toán lại các phương án sản xuất - kinh doanh và chi tiêu theo hướng cắt giảm chi phí. Rõ nhất là các doanh nghiệp có mức tiêu thụ xăng, dầu lớn ngoài việc tính toán lại chi phí giá thành, đã tiến hành cắt giảm định mức tiêu hao nhiên liệu, lựa chọn cung đường vận chuyển phù hợp, bố trí dây chuyền hợp lý, tăng cường biện pháp khoán chi phí... Với người dân cũng đã có những thay đổi trong nhận thức như sử dụng phương tiện vận tải công cộng thay cho phương tiện cá nhân hay dùng các loại phương tiện không phải sử dụng nhiêu liệu; dừng mua sắm các vật dụng đắt tiền, hàng xa xỉ; tính toán chi ly trong những khoản chi tiêu hằng ngày....
Cùng với các biện pháp kinh tế khác thì biện pháp cắt giảm chi tiêu (cả công và tư) đã tỏ ra có tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát và tăng giá. Tuy nhiên, dư luận cũng đang lo ngại việc tiết kiệm trong chi tiêu công (ở các đơn vị sử dụng ngân sách) liệu có được thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để? Mặc dù nhà nước đã có quy định về tỷ lệ tiết kiệm chi trong khối các cơ quan hành chính sự nghiệp, nhưng tình trạng lãng phí vẫn khá phổ biến. Điển hình là trong việc sử dụng điện, nước, xăng xe, vật tư, văn phòng phẩm... Điều này một phần là do ý thức của người sử dụng, song có một nguyên nhân khác quan trọng hơn là do không có quy chế, quy định trong việc sử dụng tài sản công hoặc có nhưng thiếu chặt chẽ. Vì vậy đây là thời điểm các cơ quan này phải tiên phong và gương mẫu thực hiện chủ trương tiết kiệm để làm gương cho người dân...
Ý kiến ()