Cảnh giác, chủ động ứng phó biến chủng Omicron
Đến thời điểm này, biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 đã xâm nhiễm, lây lan đến 89 quốc gia trên thế giới. Hiện các nhà khoa học vẫn đang theo dõi, phân tích về những đột biến của biến chủng nguy hiểm này. Nhưng hiện tại những nghiên cứu đều cho thấy sự lây lan mạnh mẽ và nguy hiểm không kém gì biến chủng Delta mà thế giới đang phải đối mặt. Minh chứng là cứ 1,5-3 ngày thì số ca nhiễm Covid-19 lại tăng gấp đôi ở những nơi có lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng.
Theo các nhà nghiên cứu, biến chủng Omicron có đến 60 đột biến so với biến thể Vũ Hán ban đầu. Đặc biệt là 32 đột biến về protein gai S, là yếu tố kháng nguyên chính của các loại vắc-xin. Nhiều đột biến trong số đó đã không được quan sát thấy ở các chủng khác.
Vì có quá nhiều đột biến, các chuyên gia dịch tễ, lâm sàng rất lo ngại rằng Omicron có thể lây lan nhanh, trốn né miễn dịch và khả năng kháng vắc-xin. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Omicron là biến chủng "đáng lo ngại", bởi 80% ca nhập viện là những người trẻ tuổi, nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn 3 lần so với Delta và Beta. Omicron lây lan gấp 5-6 lần Delta. Đặc biệt Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao gấp 3 đến 8 lần so với Delta.
Hiện đại dịch Covid-19 trên thế giới cũng như trong nước vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Chúng ta ngoài phòng, chống với biến chủng Delta, giờ đang phải đối mặt với biến chủng Omicron với tốc độ lây lan cao hơn rất nhiều lần và chưa có cơ sở để xác định độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta. Đã có các nghiên cứu chỉ ra rằng ngay khi đã được tiêm vắc-xin đủ 2 mũi thì nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron vẫn cao hơn đáng kể so với chủng Delta.
Ở trong nước, mặc dù chưa phát hiện có ca nhiễm biến chủng Omicron, nhưng trước sự nguy hiểm, lây lan mạnh mẽ của biến chủng này và khả năng xuất hiện ở nước ta là rất cao, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu Bộ Y tế bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp cần thiết, phù hợp; không để bị động, bất ngờ; không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng; khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron; tăng cường chỉ đạo công tác giám sát dịch tễ nhằm phát hiện sớm các biến chủng mới.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; không để sót ai thuộc diện chỉ định tiêm mà không được tiêm chủng đầy đủ (kể cả mũi tăng cường), đặc biệt là những người thuộc nhóm có nguy cơ cao. Bộ Y tế bảo đảm phân bổ đủ vắc-xin cho các địa phương. Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn, tập huấn tổ chức điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải; rà soát, chủ động năng lực hệ thống y tế ở tất cả các tuyến; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động. Đặc biệt, tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng chống dịch trong toàn xã hội trước nguy cơ tái bùng phát trên diện rộng trong điều kiện thời tiết cuối năm và biến chủng Omicron.
Với Quảng Ninh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế và UBND các địa phương, đặc biệt là cấp xã, các cơ quan, doanh nghiệp… tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản, phương án sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19, nhất là chủng mới Omicron theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; có kế hoạch cụ thể tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế khi có tình huống nảy sinh; tiếp tục phát huy vai trò của các lực lượng cơ sở như tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng, tổ liên gia, trạm y tế lưu động.
Các sở, ngành, cơ quan chức năng liên quan cùng chính quyền địa phương tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, nhất là các trường hợp đến và đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận, lây lan biến chủng Omicron; tuân thủ nghiêm ngặt việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế theo quy định; xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Suốt 2 năm qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương được đánh giá phòng, chống dịch tốt trong cả nước. Với kinh nghiệm có được, cùng sự chủ động phòng từ xa, từ sớm, từ cơ sở, lấy người dân, khu dân cư làm trung tâm chống dịch, tin tưởng rằng Quảng Ninh tiếp tục phòng, chống dịch hiệu quả, đặc biệt là với biến chủng mới Omicron.
Ý kiến ()