Cần có cơ sở khoa học và thực tiễn trước khi nhân rộng mô hình
Đầu năm 2012, sau khi tham quan việc nuôi chồn nhung đen ở Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc gia (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã tiếp nhận 75 đôi chồn giống đưa về nuôi thử nghiệm tại một số hộ dân ở Quảng Yên và Ba Chẽ. Cùng với đó, một số hộ dân ở các địa phương khác khi được giới thiệu đây là vật nuôi mới, dễ chăm sóc, nhân đàn nhanh cũng đã tự đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm ở các tỉnh, thành khác đưa về nuôi. Vì vậy, đến thời điểm này đã có khá nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đang nuôi chồn nhung đen.
Theo tài liệu của Trung tâm Thực nghiệm và Bảo tồn vật nuôi, thì chồn nhung đen còn có tên là con hắc đồn, là loài động vật ăn cỏ, sống theo bày đàn, thân thiện với con người, không phá hoại như loài chuột. Loài vật này dễ nuôi, ăn thức ăn đơn giản như cỏ, lá cây và một số loại tinh bột. Khi trưởng thành nó nặng trên dưới 1kg, thịt không nhiều.
Mặc dù đã đưa vào nuôi cả ở mô hình thử nghiệm và tự phát với số lượng không nhỏ, nhưng đến thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa khẳng định được giá trị dinh dưỡng của loại thực phẩm này như thế nào cũng như khả năng tiêu thụ trên thị trường ra sao. Và thực tế hiện nay các hộ nuôi mới chỉ tập trung cho việc nhân giống, phát triển đàn do giá con giống khá cao. Bản thân nhiều hộ chăn nuôi cũng khẳng định chưa từng ăn thịt chồn và trên thị trường cũng chưa có thịt chồn bán. Trong khi đó chồn là loài có tốc độ sinh sản khá nhanh, mỗi lứa chỉ cách nhau hơn 2 tháng, mỗi lứa chồn mẹ đẻ từ 4 đến 6 con. Với tốc độ sinh sản này, chắc chắn trong thời gian ngắn số lượng chồn sẽ là rất lớn. Thế nhưng hiện tại vẫn chưa có phương án tiêu thụ như thế nào, ở đâu và khả năng có được người tiêu dùng chấp nhận không?
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, nếu giá trị dinh dưỡng của thịt chồn cao và đầu ra thuận lợi thì sẽ khuyến khích người dân nuôi nhiều; còn nếu giá trị dinh dưỡng của nó chỉ tương đương thịt lợn thì sẽ không khuyến khích nhân rộng. Điều này có nghĩa đến nay vẫn chưa có cơ sở gì để khẳng định tính hiệu quả của loại vật nuôi này.
Vì vậy để đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển của mô hình, tránh gây lãng phí công sức, tiền của cho người dân, các cơ quan chuyên môn cần tập hợp đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn bao gồm giá trị dinh dưỡng, khả năng tiêu thụ... trước khi nhân rộng mô hình. Trước mắt cũng nên khuyến cáo người dân hạn chế phát triển, nhân đàn. Chúng ta đã từng có những bài học khi triển khai nuôi một số loài giống mới trong những năm qua. Hy vọng những bài học này sẽ không lặp lại với con chồn nhung đen. Người dân đang trông chờ ở các cơ quan chức năng...
Thanh Tùng
Ý kiến ()