Cái cân và người sử dụng
Đằng trên bộ, đằng dưới biển mà mánh khoé giống hệt nhau; đều là cố ý làm tăng tự trọng của phương tiện trước khi nhận hàng và giảm tự trọng của chúng khi nhận hàng. Trên bộ (ở Cảng Cái Lân) là việc chất tải lên xe trước khi qua cân điện tử. Còn dưới nước (ở các cảng than) là bơm nước vào sà lan trước khi cập bến nhận than (rồi sau đó, khi phương tiện vào nhận hàng thì đổ tải đi)... Bằng cách này, người ta đã rút được lượng hàng chênh lệch không nhỏ. Đấy là chưa kể lái xe, thuỷ thủ thông đồng với nơi giao nhận để xe đỗ lệch, đo sai mớn nước v.v... Những thủ đoạn ăn cắp theo dây hay ăn cắp có tổ chức như thế này thì hại còn lớn hơn nữa. ở Cảng Cái Lân, mới dỡ hàng từ hai con tàu cập cảng mà lái xe và vài người giao nhận đã rút được 300 tấn khô lạc, trị giá hơn 3 tỷ đồng; còn ở các cảng trong ngành than, chưa có thống kê lượng than mất, nhưng chắc chắn lớn gấp nhiều lần lượng khô lạc ăn cắp ở hai con tàu nói trên. Chỉ một cảng nhỏ thôi, hao hụt trong một kỳ kế hoạch đã lên đến hàng vạn tấn, chắc chắn trong đó, bên cạnh những nguyên nhân khác, có cả do hiện tượng ăn cắp than qua cân đong...
Vậy nên người ta mới phải sắm những cái cân hiện đại! Cảng Cái Lân có cân điện tử; ngành Than có cả cân điện tử và cân cơ khí. Các mỏ Mông Dương, Vàng Danh, Cọc Sáu v.v... đã lắp đặt cân. Những đơn vị khác cũng đang khẩn trương lắp đặt... Thế nhưng, như thực tế đã chứng minh, cái cân, cho dù là hiện đại đến mấy, thì cũng là do con người lắp đặt, con người sử dụng. Và vì thế, lắp cái cân thôi chưa đủ; quan trọng là phải quản lý, giáo dục người sử dụng cân thì mới mong ngăn chặn được những hiện tượng gian dối như nói ở trên!
Ý kiến ()