
Cách kiểm soát bệnh rối loạn tự miễn bằng chế độ ăn uống
Rối loạn tự miễn đang ngày càng trở thành mối quan tâm lớn đối với sức khỏe cộng đồng và người bệnh có thể kiểm soát bằng chế độ ăn uống phù hợp.

Mối liên hệ giữa các bệnh tự miễn và chế độ ăn uống
Theo bà Ishi Khosla, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe Escorts (Ấn Độ), một số bệnh tự miễn phổ biến hiện nay bao gồm rối loạn tuyến giáp Hashimoto, bệnh viêm ruột, rụng tóc, viêm khớp, đa xơ cứng, lupus, bệnh gan và thận tự miễn, các tình trạng da như bệnh vẩy nến hoặc bệnh tiểu đường type 1.
Các yếu tố môi trường, chế độ ăn uống và lối sống có ảnh hưởng lớn, và những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra vai trò quan trọng của hệ vi sinh đường ruột, độ nhạy cảm với thực phẩm và tình trạng viêm trong việc gây ra các bệnh tự miễn.
Một yếu tố quan trọng mà các nhà nghiên cứu nhấn mạnh là sự suy giảm hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống.
Khi cơ thể thiếu hụt chất dinh dưỡng, hoặc khi kém hấp thu do các vấn đề ở ruột, các yếu tố di truyền có thể kích hoạt bệnh tự miễn.
Điều này cho thấy, những người mắc bệnh tự miễn có thể cải thiện tình trạng sức khỏe của mình bằng cách duy trì một hệ vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, cùng với chế độ ăn uống chống viêm.
Các chất dinh dưỡng cần thiết
Bà Ishi Khosla cho biết, các chất dinh dưỡng quan trọng có thể hỗ trợ trong việc điều trị và kiểm soát các rối loạn tự miễn bao gồm: Vitamin A, D, K, các vitamin nhóm B, magiê, selen, kẽm, sắt và các chất béo thiết yếu.
Trong đó, vitamin A giúp làm dịu hệ miễn dịch. Khi thiếu hụt vitamin A trong cơ thể sẽ liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp và tiểu đường type 1.
Vitamin A có thể được tìm thấy trong các thực phẩm như trứng, cá, động vật có vỏ, dầu gan cá tuyết, gan, bơ và bơ ghee.
Vitamin D cũng rất quan trọng trong việc giảm viêm và tăng cường hệ thống miễn dịch. Nó có thể giúp giảm triệu chứng trong các tình trạng tự miễn như bệnh viêm ruột, đa xơ cứng, bệnh vẩy nến và viêm khớp dạng thấp.
Vitamin D có nhiều trong các thực phẩm chứa chất béo động vật và sữa, nhưng cách hiệu quả nhất để cơ thể hấp thụ là thông qua việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Một vấn đề phổ biến khác là thiếu máu do thiếu sắt, đây là tình trạng liên quan đến nhiều bệnh tự miễn. Ferritin (sắt dự trữ) chủ yếu được hấp thụ ở ruột, và khi khả năng hấp thụ bị suy giảm do viêm hay tổn thương niêm mạc ruột, lượng sắt dự trữ có thể giảm sút.
Để khắc phục tình trạng này, người bệnh có thể bổ sung sắt từ các thực phẩm như rau lá xanh, củ cải đường, nước ép cà rốt, đậu đen và dưa hấu.
Ngoài ra, các vi chất dinh dưỡng như selen, magiê, kẽm và các axit béo thiết yếu (omega-3) cũng có tác dụng chống viêm, giúp giảm các triệu chứng bệnh tự miễn. Việc bổ sung các chất dinh dưỡng này không chỉ giúp làm dịu quá trình viêm mà còn hỗ trợ việc phục hồi và chữa lành đường ruột.
Ý kiến ()