
Phát hiện vi khuẩn đường ruột mới giúp tăng cường hiệu quả liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư
Các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu do Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản dẫn đầu, mới đây đã công bố phát hiện ra một loại vi khuẩn đường ruột mới có khả năng tăng cường hiệu quả của thuốc miễn dịch điều trị ung thư. Nghiên cứu này đã mang lại hy vọng về sự phát triển các phương pháp điều trị mới giúp tăng cường hơn nữa phản ứng miễn dịch chống ung thư.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, liệu pháp miễn dịch ung thư tận dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công những tế bào ung thư. Một nhóm thuốc, được gọi là thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch - gồm cả các thuốc ức chế PD-1 như Opdivo - hoạt động bằng cách phá bỏ cơ chế mà tế bào ung thư sử dụng để né tránh sự tấn công của tế bào miễn dịch, từ đó khôi phục khả năng tự nhiên của hệ miễn dịch trong việc nhận diện và tiêu diệt khối u.
Tuy nhiên, ngay cả khi sử dụng kết hợp với nhiều phương pháp điều trị khác, thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch chỉ hiệu quả lâu dài ở khoảng 20% bệnh nhân. Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng việc cấy ghép vi khuẩn đường ruột từ phân của những bệnh nhân đáp ứng tốt với các loại thuốc này sang những bệnh nhân không đáp ứng có thể cải thiện kết quả điều trị, cho thấy vi khuẩn đường ruột đóng vai trò then chốt. Đến nay, cơ chế mà vi khuẩn đường ruột tác động đến các khối u nằm ở xa ruột, chẳng hạn như ở phổi, vẫn chưa được các nhà khoa học hiểu rõ.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện rằng những bệnh nhân đáp ứng tốt với liệu pháp miễn dịch có lượng lớn một loại vi khuẩn đường ruột thuộc họ “Ruminococcaceae”. Những bệnh nhân này duy trì hiệu quả điều trị lâu hơn và trong khối u của họ có nhiều tế bào T - tế bào miễn dịch chuyên tấn công tế bào ung thư hơn.
Vi khuản này đã được xác định là một chủng mới, có tên là YB328. Trong các thí nghiệm trên chuột, việc sử dụng cả thuốc ức chế điểm kiểm soát và YB328 đều làm khối u nhỏ lại, thậm chí ngay cả khi YB328 được bổ sung cùng với phân lấy từ những bệnh nhân không đáp ứng điều trị, hiệu quả của thuốc vẫn được cải thiện.
Nghiên cứu sâu hơn cho thấy YB328 kích hoạt các tế bào đuôi gai (dendritic cells) - được ví như “chỉ huy” của hệ miễn dịch vì có vai trò điều phối các phản ứng miễn dịch trong đường ruột. Sau đó, các tế bào đuôi gai này di chuyển từ ruột đến những vị trí khối u ở xa, tại đó chúng kích hoạt các tế bào T xung quanh và tăng cường khả năng tấn công của hệ miễn dịch vào tế bào ung thư.
Hiroyoshi Nishikawa - Trưởng khoa Miễn dịch học ung thư tại Viện nghiên cứu Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản, nhận xét: “Việc dùng vi khuẩn này cho những người không đáp ứng (thuốc) không chỉ cải thiện kết quả mà việc bổ sung nó vào phác đồ điều trị những người đáp ứng có thể giúp tăng cường hiệu quả hơn nữa”.
Ý kiến ()