Bộ KH&CN công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh cho biết, chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) là bộ chỉ số tổng hợp duy nhất hiện nay cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) của từng địa phương. Việc xây dựng chỉ số PII của Việt Nam được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đánh giá rất cao. Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới xây dựng thành công chỉ số này.
Thông tin được đưa ra tại sự kiện công bố Báo cáo chỉ số PII năm 2024 trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành KH&CN diễn ra chiều ngày 30/12/2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Công cụ đo lường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở địa phương
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, từ năm 2017, Chính phủ đã sử dụng Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (GII - Global Innovation Index) do WIPO công bố hằng năm như một công cụ quan trọng để nhận diện các điểm mạnh, điểm yếu về ĐMST của Việt Nam và từ đó đưa ra các giải pháp, biện pháp chính sách phù hợp. Những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. Năm 2024, Việt Nam có thứ hạng GII là 44, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong 11 năm qua, tính từ năm 2013, thứ hạng GII của Việt Nam tăng 32 bậc (từ vị trí 76 lên 44). Theo WIPO, trong 14 năm liền Việt Nam luôn có kết quả ĐMST cao hơn so với mức độ phát triển cho thấy hiệu quả của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra phát triển KT-XH.
Bộ KH&CN là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ĐMST, đồng thời giao làm đầu mối kết nối với WIPO và các tổ chức quốc tế và điều phối các bộ, ngành, địa phương trong nước để theo dõi, cải thiện kết quả chỉ số GII của Việt Nam từ năm 2017 đến nay. Bộ KH&CN đã nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp thu, làm chủ từ phương pháp luận đến các công cụ, kỹ thuật phân tích, tính toán cho một chỉ số tổng hợp về hoạt động ĐMST.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chỉnh phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, Bộ KH&CN đã triển khai các bước xây dựng PII 2024 theo đúng chuẩn mực quốc tế cũng như theo đúng quy trình đã triển khai thành công năm 2023. Khung chỉ số PII 2024 được rà soát, điều chỉnh trên cơ sở khuyến nghị của chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO giới thiệu đánh giá kết quả PII 2023 và căn cứ hiện trạng dữ liệu, bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương.
Một số điều chỉnh nhỏ về nguồn dữ liệu, cách tính toán chỉ số thành phần cũng đã được thực hiện phù hợp với thông lệ quốc tế và theo khuyến nghị của chuyên gia quốc tế độc lập. Chỉ số PII năm 2024 có 52 chỉ số thành phần, chia làm 7 trụ cột. Năm trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN&ĐMST gồm: Thể chế; Vốn con người và Nghiên cứu và Phát triển; Cơ sở hạ tầng; Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; Tác động.
Dữ liệu phục vụ xây dựng PII 2024 được thu thập từ hai nguồn chính từ số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở trung ương (có 39/52 chỉ số) và nguồn do các địa phương thu thập, cung cấp (có 13/52 chỉ số). Cũng như chỉ số GII của WIPO có sử dụng nhiều kết quả từ các chỉ số/bộ chỉ số khác, PII sử dụng 11 chỉ số là kết quả của các chỉ số khác tại Việt Nam, như: Hiệu quả quản trị hành chính công cấp địa phương (PAPI), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Cải cách hành chính (PAR), chỉ số Chuyển đổi số (DTI). Do đó, việc biến động giá trị và xếp hạng của các địa phương trong các chỉ số khác này cũng sẽ tác động đến giá trị và xếp hạng của các địa phương trong PII.
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về Chỉ số PII 2024
Theo kết quả phân tích, đánh giá PII 2024, trong 10 địa phương dẫn đầu PII 2024, có 5 thành phố trực thuộc trung ương và 5 địa phương có công nghiệp, dịch vụ phát triển. Cụ thể, 3 địa phương không thay đổi vị trí dẫn đầu là Hà Nội xếp hạng 1, Tp. Hồ Chí Minh xếp hạng 2 và Hải Phòng xếp hạng 3. Các địa phương tiếp theo gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng 4 (PII 2023 xếp hạng 7), Đà Nẵng xếp hạng 5 (PII 2023 xếp hạng 4), Quảng Ninh xếp hạng 6 (PII 2023 xếp hạng 9), Cần Thơ xếp hạng 7 (PII 2023 xếp hạng 5), Bình Dương xếp hạng 8 (không thay đổi so với PII 2023), Thái Nguyên xếp hạng 9 (PII 2023 xếp hạng 10) và Bắc Giang xếp hạng 10 (PII 2023 xếp hạng 11).
Trong 10 địa phương dẫn đầu PII 2024, có 3 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh), 3 địa phương thuộc vùng Đông Nam bộ (Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương), 2 địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc (Thái Nguyên, Bắc Giang), 1 địa phương thuộc vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung (Đà Nẵng) và 1 địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ). So với bảng xếp hạng top 10 năm 2023, Bắc Ninh bị tụt hạng xuống vị trí 11, thay vào đó là Bắc Giang.
Năm 2024, các địa phương vùng Đông Nam bộ đã vượt qua các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng để có điểm trung bình cao nhất trong 6 vùng KT-XH với 43.10 điểm. Các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng có điểm trung bình cao thứ hai, đạt 42.77 điểm, tiếp đến là các địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với 35.64 điểm và Đồng bằng sông Cửu Long với 33.69 điểm. Hai vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên tiếp tục có điểm số thấp nhất, lần lượt là 32.03 điểm và 31.60 điểm.
Xếp theo nhóm thu nhập, nhìn chung điểm số PII 2024 của các địa phương có tương quan với mức thu nhập bình quân đầu người. Các địa phương có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao đạt điểm trung bình cao nhất, 44.55 điểm. Các địa phương có thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp có khoảng cách về điểm số khá xa so với nhóm thu nhập cao, kém tới 17.33 điểm.
Kết quả PII năm 2024 theo các Trụ cột cụ thể: Trụ cột 1. Thể chế: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Quảng Ninh, Ninh Thuận và Hải Phòng. Trụ cột 2. Vốn con người và Nghiên cứu và phát triển: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Trụ cột 3. Cơ sở hạ tầng: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Bình Dương, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh. Trụ cột 4. Trình độ phát triển của thị trường: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tp. Hồ Chí Minh. Trụ cột 5. Trình độ phát triển của doanh nghiệp: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Bắc Ninh, Hà Nội và Long An. Trụ cột 6. Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ: 3 địa phương dẫn đầu lật lượt là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Trụ cột 7. Tác động: 3 địa phương dẫn đầu lần lượt là Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hải Phòng.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, trên thế giới, trước Việt Nam, cho đến nay cũng mới chỉ có 4 quốc gia đã xây dựng và triển khai thành công chỉ số PII là Ấn Độ, Hoa kỳ, Colombia và Trung Quốc. Việc xây dựng chỉ số PII của Việt Nam được Tổ chức WIPO đánh giá rất cao. WIPO coi Việt Nam là hình mẫu cho các quốc gia khác trên thế giới học tập trong việc xây dựng chỉ số đánh giá ĐMST cấp địa phương dựa trên chỉ số ĐMST toàn cầu (GII). Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 65 Đại hội đồng các thành viên năm 2024, WIPO đã tổ chức hội thảo để thảo luận về công cụ và kinh nghiệm xây dựng chỉ số ĐMST cấp địa phương. Kỳ họp có sự tham gia của các quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đã áp dụng GII trong xây dựng chỉ số ĐMST cấp địa phương, được WIPO mời chia sẻ kinh nghiệm cho các quốc gia thành viên khác. Tại hội thảo, WIPO đã ghi nhận "có rất nhiều điều học hỏi được từ kinh nghiệm xây dựng chỉ số PII của Việt Nam”.
Sau khi PII 2023 được công bố, nhiều địa phương đã tích cực tìm hiểu ý nghĩa, nội hàm, phương pháp tính toán của từng chỉ số thành phần, tổ chức nghiên cứu, phân tích kết quả để ban hành và thực hiện các chính sách nhằm phát huy các điểm mạnh và khắc phục các điểm yếu mà kết quả PII 2023 đã chỉ ra. Đến nay, đã có hơn 30 địa phương ban hành kế hoạch cải thiện chỉ số PII.
Kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả PII 2024 với thực trạng phát triển KT-XH của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng Sông Hồng), có ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động KH,CN&ĐMST mạnh mẽ. Ngược lại, các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển KT-XH, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH (tập trung ở các vùng Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc).
Thứ trưởng Hoàng Minh cũng nhấn mạnh, Chỉ số đổi mới sáng tạo PII cấp địa phương là bộ chỉ số tổng hợp duy nhất hiện nay cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương (các chỉ số khác được sử dụng để đánh giá trong một phạm vi ngành, một lĩnh vực cụ thể).
Việc so sánh trực tiếp về thứ hạng giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, không phải là mục đích chính của PII bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Chỉ số PII cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển KT - XH dựa trên KH,CN&ĐMST của từng địa phương, qua đó giúp lãnh đạo của địa phương xác định, lựa chọn các chủ trương, các định hướng, giải pháp phù hợp cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cũng chính là để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Ý kiến ()