
Bình Liêu tạo bứt phá từ các mô hình kinh tế mới
Sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, xã Bình Liêu đã có nhiều đổi mới trong tư duy phát triển kinh tế, từng bước hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp đa dạng, phù hợp với điều kiện đặc thù địa phương. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng nông thôn mới (NTM), ổn định đời sống nhân dân và phát triển toàn diện khu vực vùng cao biên giới.
Một trong những mô hình tiêu biểu là mô hình trồng nho sữa của gia đình chị Trần Thị Vân, xã Bình Liêu. Từ năm 2022, gia đình bắt tay vào trồng nho sữa tại cơ sở 1 ở khu vực ngã tư Nà Cắp với 200 gốc nho trên diện tích 2.000m². Toàn bộ diện tích được đầu tư hệ thống khung sắt, mái che nilon, tưới nhỏ giọt đảm bảo kỹ thuật. Đến đầu năm 2024, mô hình cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng đạt trên 600kg, giá bán tại vườn 250.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu đáng kể. Không dừng lại, năm 2025, gia đình tiếp tục mở rộng quy mô tại cơ sở 2, trồng thêm 400 gốc trên diện tích 4.500m², có hệ thống đường bê tông dẫn vào khu vực trồng và chỉ cách quốc lộ 18C 200m, tạo thuận lợi cho việc giao thương. Với việc đầu tư quy mô về giống, trang thiết bị vườn hiện đại, mô hình này sẽ được kỳ vọng mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm cho gia đình.
Chị Trần Thị Vân chia sẻ: Trước đây gia đình chủ yếu trồng cây truyền thống và làm tự do, nhưng thu nhập không ổn định. Sau nhiều lần tìm hiểu qua các kênh mạng xã hội, sách báo, chúng tôi mạnh dạn đưa giống nho sữa về trồng. Nhờ áp dụng kỹ thuật phù hợp và đầu tư hệ thống nhà lưới, cây đã cho ra quả và đem lại hiệu quả kinh tế tích cực. Đây là hướng đi mới mà gia đình sẽ tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Không chỉ phát triển trồng trọt, chăn nuôi cũng đang trở thành hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Bình Liêu. Điển hình là mô hình chăn nuôi gà thịt của gia đình ông Trần Văn Thoòng, thôn Khe Lánh. Với diện tích hơn 4ha đất đồi, gia đình đã quy hoạch khu chăn nuôi bài bản, kết hợp trồng cây ăn quả và đào ao thả cá nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và đa dạng nguồn thu nhập. Năm 2024, mô hình đã xuất bán thành công 8.000 con gà ra thị trường, mang lại thu nhập từ 300-350 triệu đồng. Tiếp nối thành công đó, năm 2025, ông Thoòng tiếp tục duy trì quy mô với kế hoạch nuôi mới 8.000 con gà, trong đó, hiện đã có hơn 4.000 con đang được chăn thả để phục vụ nhu cầu thị trường. Toàn bộ gà được nuôi theo hướng an toàn sinh học, quy trình chăm sóc, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại đều tuân thủ nghiêm ngặt. Nhờ tổ chức sản xuất khoa học, chủ động phòng chống dịch bệnh, mô hình không chỉ bảo đảm chất lượng sản phẩm mà còn mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, trở thành điểm sáng trong phát triển chăn nuôi tại địa phương.

Hiện trên địa bàn xã Bình Liêu đã và đang phát triển nhiều mô hình kinh tế đa dạng, bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét, như: Mô hình chăn nuôi dê của gia đình anh Phùn Quay Lường tại thôn Cầu Sắt; trồng cây sim của anh Mạ Văn Vìn tại thôn Tùng Cầu; nuôi bò vỗ béo của anh Tô Văn Kim, bản Ngày; nuôi ngựa của anh Chu Văn Mộc, thôn Nà Cắp; nuôi dúi sinh sản của anh Lã Quảng Hiền, thôn Khe Lánh… Các mô hình này không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân mà còn phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai và tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Từ đó từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phát triển bền vững.
Xác định rõ nông nghiệp vẫn là một trong những trụ cột quan trọng trong cơ cấu kinh tế, năm 2025, xã Bình Liêu đã đưa việc tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trở thành nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cùng với đó, xã cũng tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình, đề án lớn của tỉnh, như: Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 25/01/2023 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương khóa XIII về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Đề án phát triển chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến 2030…
Trên cơ sở đó, thời gian tới, xã Bình Liêu tiếp tục thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, công nghệ cao gắn với Chương trình xây dựng NTM và OCOP. Chú trọng tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, khuyến khích liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác. Xã Bình Liêu đặt mục tiêu trong năm 2025, tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn xã đạt trên 13%; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 98,05 triệu đồng/người.
Ý kiến ()