Biểu tượng và tiêu đề cho du lịch Quảng Ninh
Có lẽ không ít người, thậm chí đến cả du khách quốc tế vẫn nghĩ rằng hình ảnh Hòn Trống Mái (hay còn gọi là Hòn Gà chọi) trên Vịnh Hạ Long chính là biểu tượng của du lịch Quảng Ninh. Còn nhớ, cách đây hơn 10 năm, khi Lễ hội Du lịch Hạ Long (tiền thân của Carnaval Hạ Long bây giờ) đã qua thời kỳ khởi động ban đầu thì hình ảnh Hòn Trống Mái được sử dụng trong công tác tuyên truyền, quảng bá với sự ngầm định như biểu tượng của du lịch Quảng Ninh. Vì vậy, việc tổ chức một cuộc thi sáng tác biểu tượng (logo) và tiêu đề (slogan) cho du lịch Quảng Ninh như hiện tại Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang chủ trì phối hợp với Hội VHNT tỉnh để triển khai theo chỉ đạo của tỉnh được xem như khâu chuyên nghiệp trong phát triển bền vững của ngành “công nghiệp không khói”.
Nhìn sang tỉnh bạn Hải Dương - một vùng đất hẳn nhiên không có được lợi thế cũng như sự giàu có về tiềm năng phát triển du lịch nếu so với Quảng Ninh nhưng từ năm 2011 đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu tượng và tiêu đề cho du lịch. Trong biểu tượng của du lịch Hải Dương có hình thể hiện đặc trưng của du lịch tỉnh này là Đảo Cò. Còn tiêu đề đoạt giải nhất cuộc thi này là “Du lịch Hải Dương thân thương quyến rũ” (Hai Duong tourism - sweet and seductive). Nội dung khẩu hiệu bằng tiếng Việt và tiếng Anh, rất vần điệu, ngắn gọn, dễ nhớ. Mới chỉ đẩy mạnh hoạt động du lịch trong mấy năm gần đây nhưng Ninh Bình cũng đã xây dựng được biểu tượng và tiêu đề du lịch “Ninh Bình - Non nước hữu tình” làm cơ sở cho việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh một cách nhất quán và chuyên nghiệp.
Tới đây, cuộc thi sáng tác biểu tượng và tiêu đề cho du lịch Quảng Ninh sẽ được phát động rộng rãi. Được biết, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về marketing. Đây thực sự là điều cần thiết bởi ý nghĩa cũng như tính hiệu quả của cuộc thi này rất lớn. Biểu tượng, tiêu đề được lựa chọn từ cuộc thi này sẽ là “bộ mặt” của du lịch Quảng Ninh ít nhất là trong công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến. Do vậy, đơn vị chủ trì cũng như Ban tổ chức cuộc thi cần có sự nghiên cứu thấu đáo, tạo sự chặt chẽ về thể lệ, yêu cầu, cách thức tiến hành song đồng thời vẫn đảm bảo yếu tố “mở” của cuộc thi để đạt được mục tiêu đặt ra.
Ngọc Lê
Ý kiến ()