Bệnh viêm gan “bí ẩn”
Thời gian gần đây, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã xuất hiện bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân với nhiều trẻ em bị mắc. Ở Việt Nam, tuy chưa xuất hiện bênh lạ này, nhưng trước thông tin bệnh viêm gan “bí ẩn” xuất hiện tại các nước trên trên thế giới khiến nhiều phụ huynh học sinh không khỏi hoang mang, lo lắng.
Theo WHO, đến nay, đã ghi nhận hơn 300 trẻ mắc viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân tại 23 quốc gia. Trong đó, có 9 trường hợp đã tử vong. Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Nhóm trẻ mắc bệnh nhiều hơn là nhóm dưới 10 tuổi. Hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan, thậm chí tử vong. Sau Covid-19, dịch bệnh mới nổi này cũng khiến nhiều người lo ngại.
Triệu chứng khởi phát của trẻ em khi mắc bệnh viêm gan “bí ẩn” là tình trạng sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy, tổn thương gan và sau đó nhanh chóng diễn biến thành suy gan. Biểu hiện sớm của tình trạng suy gan là chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt, đi tiểu sẫm màu. Trường hợp nặng hơn có thể xảy ra tình trạng lơ mơ hoặc hôn mê. Các xét nghiệm có thể cung cấp các chỉ số phản ánh sớm tình trạng tổn thương tế bào gan như tăng men gan hay suy giảm các chức năng của gan. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan “bí ẩn” ở trẻ em vẫn chưa được tìm ra và các cuộc điều tra đang được diễn ra.
Trước sự nguy hiểm của bệnh viên gan “bí ẩn”, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi trẻ, nếu trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như vàng da, vàng mắt, phân bạc màu, ngủ li bì hơn… cần đưa trẻ tới khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ.
Tại Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng tới nay chưa có ca bệnh viêm gan “bí ẩn” nào được ghi nhận, tuy nhiên Bộ Y tế đề nghị các địa phương trong cả nước chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm, kịp thời triển khai các biện pháp phòng bệnh lạ này. Đồng thời Cục Y tế dự phòng đề nghị các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur tập trung theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới; phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng, chống sự lan truyền của bệnh tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong.
Để phòng bệnh viêm gan “bí ẩn”, ngành Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh, trẻ em cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi; thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn đồ sống, vệ sinh đồ dùng cá nhân; đảm bảo nguồn nước sạch và xử lý tốt chất thải của bệnh nhân, vì đó có thể là đường lây truyền. Tại trường học cũng cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ như đảm bảo vệ sinh, dùng riêng đồ dùng cá nhân, lau chùi thường xuyên các vật dụng, bề mặt tiếp xúc, đồ chơi...
Để bảo vệ trẻ em trước bệnh lạ này, các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng, mà cần chủ động, theo dõi thường xuyên sức khoẻ của trẻ, nếu có những biểu hiện như ngành Y tế khuyến cáo cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, chữa trị kịp thời.
Ý kiến ()