
Bảo vệ thương hiệu sản phẩm
Quảng Ninh đang từng bước chuẩn hóa, bảo vệ tài sản trí tuệ (TSTT) cho sản phẩm địa phương, giúp doanh nghiệp tự tin cạnh tranh và phát triển bền vững.
6 tháng đầu năm 2025 tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm, như: Chương trình phát triển TSTT trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; hướng dẫn các địa phương đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sản phẩm thuộc chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Qua đó đã hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu cho 12 tổ chức, cá nhân với mức hỗ trợ trên 830 triệu đồng theo Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Nhiều sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT, giúp nâng cao giá trị thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập cho người dân.
Trong bối cảnh sắp xếp lại đơn vị hành chính hiện nay, nhiều nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý có nguy cơ bị ảnh hưởng do thay đổi địa danh hành chính; Sở KH&CN đã kịp thời tham mưu xử lý, hướng dẫn cập nhật thông tin văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chậm trễ trong bàn giao hồ sơ, thậm chí thất lạc tài liệu, làm ảnh hưởng đến tiến độ bảo vệ TSTT cho sản phẩm địa phương.
Để khắc phục, thời gian tới Sở KH&CN tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các xã, phường rà soát, hoàn thiện hồ sơ; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng đăng ký, quản lý, khai thác quyền SHTT cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Sở tiếp tục triển khai chương trình phát triển TSTT; tập huấn về đăng ký bảo hộ quyền SHTT; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký quyền SHTT; hướng dẫn các chủ văn bằng bảo hộ làm thủ tục thay đổi thông tin do ảnh hưởng của việc thay đổi địa danh hành chính.

SHTT là “lá chắn” bảo vệ sáng tạo, nhưng nếu không đi kèm với chất lượng thì thương hiệu khó duy trì được sức sống. Vì vậy tỉnh đã và đang triển khai các hoạt động kiểm soát, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm một cách nghiêm túc và bài bản.
Thực hiện chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, Sở KH&CN đã phối hợp tổ chức kiểm tra 22 cơ sở kinh doanh, tập trung vào các mặt hàng xăng dầu, thiết bị điện - điện tử - viễn thông, hàng tiêu dùng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đoàn kiểm tra đã phát hiện, xử phạt 2 cơ sở 21 triệu đồng do vi phạm về nhãn hàng hóa và quy định về xây dựng, áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng.
Song song với công tác kiểm tra, Sở đẩy mạnh kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo lường. 6 tháng đầu năm, hơn 2.500 thiết bị đo được kiểm định, góp phần đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong giao dịch thương mại, nhất là các giao dịch dân sinh như xăng dầu, điện, nước.
Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tiếp tục được tư vấn, hướng dẫn và áp dụng tại các cơ quan hành chính, tổ chức công lập trên địa bàn tỉnh. Điều này không chỉ giúp các đơn vị nâng cao năng lực quản trị, mà còn góp phần CCHC, phục vụ hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
SHTT và tiêu chuẩn chất lượng ngày càng trở nên gần gũi, thiết thực với doanh nghiệp, chính quyền địa phương; giúp sản phẩm nâng cao giá trị và khẳng định vị thế trên thị trường. Khi sản phẩm được đăng ký bảo hộ, có truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng rõ ràng, doanh nghiệp sẽ yên tâm sản xuất và mở rộng thị trường. Người tiêu dùng cũng tin tưởng hơn khi lựa chọn.
Ý kiến ()