
Huy động hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho KHCN
Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh bám sát chỉ đạo của trung ương, huy động hiệu quả các nguồn lực, tập trung cho khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - 3 trụ cột tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Ghi nhận nhiều nỗ lực
Một trong những điểm sáng của ngành KHCN tỉnh 6 tháng đầu năm là tập trung quản lý và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh. Năm 2025 Sở KH&CN quản lý 28 nhiệm vụ chuyển tiếp từ các năm trước, đồng thời phê duyệt và triển khai mới 7 nhiệm vụ mới (3 nhiệm vụ do UBND tỉnh phê duyệt, 4 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Sở). Đáng chú ý, các nhiệm vụ đều hướng tới ứng dụng thực tiễn, tập trung vào các lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên, như kinh tế biển, công nghiệp chế biến chế tạo, năng lượng tái tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 28/4/2023) của Tỉnh ủy "Về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030" với mục tiêu đến năm 2025 có 90% nhiệm vụ KHCN được ứng dụng vào thực tiễn.
Với 3 doanh nghiệp mới được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp KHCN trong 6 tháng đầu năm 2025, Quảng Ninh hiện có 32 doanh nghiệp KHCN, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Dù vậy, việc đạt chuẩn doanh thu từ sản phẩm KHCN, thủ tục hưởng ưu đãi về tín dụng, thuê đất, thuê mặt nước vẫn còn nhiều khó khăn. Không ít doanh nghiệp chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi như Nghị định số 13/2019/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ KH&CN. Sở KH&CN đã kiến nghị cần tăng cường kết nối giữa “3 nhà” (Nhà nước, Nhà khoa học, Doanh nghiệp), đồng thời đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển KHCN tỉnh để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua tư vấn, truyền thông và xúc tiến thị trường. Đây được xem là giải pháp thiết thực để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vốn còn non trẻ của tỉnh.

Tuy đạt được nhiều kết quả khả quan, hoạt động KHCN của tỉnh vẫn đối mặt với một số vướng mắc trong cơ chế, chính sách. Trước thực tế này, Sở KH&CN đã kiến nghị với Bộ KH&CN sớm sửa đổi, ban hành điều lệ mẫu mới, nhằm tạo điều kiện để các địa phương triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Tiếp tục khẳng định vai trò của KHCN
Những tháng cuối năm 2025, ngành KHCN tỉnh xác định tiếp tục giữ vững vai trò là lực lượng tiên phong, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện các đột phá chiến lược của tỉnh trong phát triển bền vững, chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Sở sẽ tiếp tục tham mưu triển khai Kế hoạch hành động số 538-KH/TU của BTV Tỉnh ủy, Thông báo số 04-TB/BCĐ và Chương trình công tác số 02-CTr/BCĐ của Ban Chỉ đạo, Kế hoạch 138/KH-UBND của UBND tỉnh nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia". Đồng thời tập trung hoàn thiện và trình UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng “Khu trình diễn, giới thiệu, mô hình, thực nghiệm ứng dụng tiến bộ KHCN, lưu trữ nguồn gen”, mở ra không gian thực nghiệm và lan tỏa tri thức KHCN đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Song song với đó, Sở tiếp tục quản lý và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KHCN gắn với nhu cầu phát triển KT-XH địa phương; tập trung giải quyết các “bài toán lớn” đã được UBND tỉnh công bố, triển khai công nghệ chiến lược theo Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những bước đi thiết thực nhằm đưa KHCN thật sự trở thành động lực dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng.

Các nhiệm vụ trọng tâm về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng được xác định rõ nét. Tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo quốc gia lần thứ 7, hoàn thiện Đề án phát triển thị trường KHCN đến năm 2030, đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ chế ưu đãi và nguồn lực từ Quỹ Phát triển KHCN tỉnh.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Sở sẽ phối hợp triển khai đồng bộ Hệ thống giải quyết TTHC theo mô hình thuê dịch vụ CNTT; đẩy mạnh phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, từng bước đưa các nền tảng số, kỹ năng số và dịch vụ số đến từng hộ gia đình, người dân. Bên cạnh đó là đào tạo đội ngũ CBCCVC qua các lớp học trực tuyến mở, nâng cao năng lực vận hành hệ thống chính quyền số hai cấp, góp phần hoàn thiện chính quyền điện tử tại Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&CN, nhấn mạnh: KHCN và đổi mới sáng tạo không chỉ là một lĩnh vực quản lý đơn thuần, mà còn là công cụ nền tảng để Quảng Ninh bứt phá. Mỗi nhiệm vụ KHCN đều phải bám sát thực tiễn, có địa chỉ ứng dụng cụ thể, quan trọng hơn là tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong năng suất, chất lượng và hiệu quả phát triển. Thời gian tới, đơn vị tập trung kết nối các nguồn lực, từ nhà nước, nhà khoa học đến doanh nghiệp, để KHCN thực sự là động lực nội sinh của phát triển.
Với tinh thần chủ động, quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo, ngành KHCN tỉnh đang khẳng định vai trò trung tâm trong công cuộc hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững, đổi mới mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế sâu rộng trong thời đại trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số của tỉnh.
Ý kiến ()