
Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bản địa quý hiếm
Quảng Ninh có diện tích mặt biển rộng, bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh, bãi đẻ để thủy sản phát triển. Trên tinh thần mục tiêu khai thác gắn với bảo vệ, đảm bảo môi trường biển an toàn và thuận lợi cho các loài thuỷ sản và thú biển sinh sống, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã xúc tiến triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiệu quả của các hoạt động này đến nay chưa cao.
Mới đây nhất, ngày 20/1/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 20 về công tác quy hoạch, quản lý bảo tồn, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thuỷ sản và thú biển giai đoạn 2025 – 2030, bao gồm những mục tiêu “cứng” như thành lập và vận hành các khu bảo tồn biển, xây dựng các khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, các khu cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn, khu vực khu trú nhân tạo cho thuỷ sản, hình thành mô hình cộng đồng quản lý về thuỷ sản. Cụ thể mục tiêu thành lập và vận hành 3 khu bảo tồn biển với tổng diện tích trên 30.000ha, bao gồm: Khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp tỉnh Đảo Trần – Cô Tô, khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Tỉnh Quảng Ninh cũng cho phép thành lập mới 13 khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở vùng biển, bao gồm các vùng: Cô Tô, Thanh Lân, Đại Bình, Tân Bình, Quảng Minh, Vạn Ninh, Minh Châu, Quan Lạn, Đài Xuyên, Đông Hải, Đồng Rui, Tiên Lãng và Đông Ngũ; hình thành 4 khu cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn là các khu ven biển đảo Trần và đảo Cô Tô, phía Nam đảo Ngọc Vừng và phía Nam đảo Hạ Mai; hình thành khu vực khu trú nhân tạo cho thuỷ sản phía Tây Nam đảo Ngọc Vừng; xây dựng 2 mô hình cộng đồng quản lý phát triển thuỷ sản (dự kiến tại xã Tiên Yên và đặc khu Cô Tô).

Tính đến thời điểm này, Khu bảo tồn loài – sinh cảnh cấp tỉnh Đảo Trần – Cô Tô đang được Sở NN&MT đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để sớm được công nhận. Các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khu cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn, khu vực khu trú nhân tạo cho thuỷ sản, mô hình cộng đồng quản lý về thuỷ sản theo quy hoạch còn lại đang trong quá trình triển khai, tiến độ triển khai chậm hoặc chưa triển khai.
Bà Đặng Thị Việt Hương, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Chi cục Biển, Hải đảo và Thuỷ sản, Kiểm ngư phân tích: Cái khó để triển khai các mô hình, dự án bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản xuất phát từ một vài bất cập có tính lịch sử, như tình trạng chồng lấn quy hoạch, ranh giới, cột mốc chưa rõ ràng. Quan trọng là các mô hình này dựa phần lớn vào cộng đồng dân cư để triển khai, trên tinh thần tự nguyện và trách nhiệm của mỗi người dân tham góp, chính bởi vậy tính chủ động và hiệu quả của các mô hình, dự án chưa cao…
Thực tế các mô hình, dự án khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khu cấm khai thác thuỷ sản có thời hạn, khu vực khu trú nhân tạo cho thuỷ sản, mô hình cộng đồng quản lý về thuỷ sản khi được thành lập sẽ thực hiện theo quy trình: Địa phương thành lập nhóm cộng đồng quản lý với thành viên nhóm cộng đồng là người dân bản địa có công việc liên quan khai thác, nuôi trồng, chế biến, phân phối thuỷ sản; các nhóm cộng đồng xây dựng quy chế hoạt động; thành viên nhóm cộng đồng khai thác thuỷ sản trên nguyên tắc bảo tồn, chỉ khai thác thuỷ hải sản trưởng thành, chung tay bảo tồn thuỷ sản trong thời kỳ sinh sản hoặc các loại thuỷ sản có lượng cá thể thấp hoặc đang suy giảm. Người dân tham gia khai thác tại các khu vực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng phải có đóng góp trở lại làm nguồn kinh phí để các nhóm cộng đồng hoạt động.
Mặt khác, các mô hình, dự án về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản chậm triển khai còn do các yếu tố khách quan về cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, về quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính. Hiện nay, với việc triển khai chính quyền địa phương 2 cấp, hình thành các đơn vị xã, phường, đặc khu với tinh thần, quan điểm hoạt động gần dân, sát dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tin rằng các dự án, mô hình bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản sẽ có những chuyển động tích cực, góp phần bảo vệ, làm giàu nguồn lợi thuỷ sản, nhất là các loại thuỷ hải sản bản địa quý hiếm, là cơ sở để phát triển thuỷ sản bền vững.
Ý kiến ()