
Phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Tai nạn thương tích luôn là nguy cơ tiềm ẩn với trẻ em, bởi các em luôn hiếu động, tò mò, nhưng lại thiếu các kỹ năng an toàn. Do đó cả cộng đồng luôn phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em.
Với chủ đề “Ưu tiên nguồn lực hoàn thành các mục tiêu vì trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm 2025 (từ 1-30/6) được triển khai sôi nổi trong toàn tỉnh, thu hút sự quan tâm tham gia hưởng ứng của đông đảo các cấp, ngành, đoàn thể, tầng lớp nhân dân. Bao gồm các chương trình tiêm chủng, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống suy dinh dưỡng và dịch bệnh cho trẻ em; huy động đa dạng nguồn lực để chăm lo, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi, khuyết tật, trẻ em vùng sâu, vùng xa... Đặc biệt là chú trọng phòng, chống tai nạn thương tích, thông qua đẩy mạnh các chương trình truyền thông, giáo dục kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Trong đó, đối tượng được truyên truyền gồm cả trẻ em và người lớn, nhằm vừa trang bị kỹ năng tự bảo vệ cho các em, vừa nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả cộng đồng đối với nhiệm vụ này.
Trong Tháng hành động, nhiều địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng cho thanh thiếu nhi về phòng tránh tai nạn đuối nước, phòng ngừa cháy nổ. Với sự phối hợp của đoàn thanh niên và công an cấp xã, các chương trình diễn ra dưới hình thức giao lưu tương tác trực quan, sinh động để thu hút sự quan tâm, hào hứng tham gia của trẻ em. Nội dung tuyên truyền, tập huấn được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm để tránh dàn trải. Trong đó ưu tiên trang bị kiến thức về nguyên nhân chủ yếu gây ra đuối nước, cháy nổ; cách nhận biết các tình huống không an toàn, có thể xảy ra sự cố; kỹ năng xử lý tình huống khi bản thân hoặc người khác gặp nạn; thực hành các kỹ thuật sơ cấp cứu cơ bản... Cách làm “Mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền thường xuyên, liên tục giúp các em ghi nhớ và tự bảo vệ mình an toàn, không để xảy ra tai nạn thương tích.

Ngay khi bước vào kỳ nghỉ hè năm nay, Tỉnh Đoàn quán triệt tới tất cả các cơ sở đoàn chú trọng đưa nội dung phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em vào chương trình hoạt động hè. Trong đó bao gồm các nhóm nội dung: Tuyên truyền, cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao dẫn đến đuối nước và tai nạn, thương tích cho trẻ em; 100% cán bộ phụ trách đoàn, đội được tập huấn về kỹ năng, cập nhật kiến thức phòng chống tai nạn, thương tích; tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em... Đặc biệt là tăng cường phối hợp giữa Đoàn Thanh niên, chính quyền địa phương, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, người dân trong cộng đồng cùng nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bị đuối nước, điện giật, TNGT đường bộ, rơi ngã, cháy bỏng, côn trùng đốt, động vật cắn... Bởi khi có sự phối hợp quan tâm, giám sát thường xuyên của cộng đồng sẽ góp phần hạn chế tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Trẻ em có được không gian vui chơi phù hợp, an toàn giúp hạn chế xảy ra tai nạn thương tích, tệ nạn xã hội. Những năm qua, các địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện dành quỹ đất, quy hoạch địa điểm xây dựng sân chơi phù hợp. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh từ cơ sở nhằm nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục, quản lý con em, như tránh đến những nơi không được quy hoạch, không có lực lượng cứu hộ và hệ thống cảnh báo an toàn; không để thanh thiếu niên sử dụng xe máy, xe điện không đúng quy định...
Tính đến tháng 5/2025 Quảng Ninh có hơn 366.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm gần 23,5% dân số. Trong đó khoảng 4.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, gần 4.400 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025 giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11%, thể thấp còi xuống dưới 17%; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi.
|
Ý kiến ()