
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đồng tình cao với các dự thảo nghị quyết
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 22/5, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở tổ đối với một số nội dung quan trọng.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến với nội dung: Việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng; chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Phát biểu làm rõ một số nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc phải xác định đúng đối tượng được miễn thuế; đồng thời khi được thông qua, Chính phủ phải có hướng dẫn cụ thể các Đoàn đại biểu Quốc hội phải giám sát chặt chẽ, tránh hiện tượng các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích.
Đối với chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét rất kỹ đến các vấn đề về nguồn vốn và cân đối vốn đảm bảo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là quy định về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính công.

Cho ý kiến đối với việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá đây là nghị quyết rất nhân văn trong quá trình xử lý thực hiện thông qua các vụ việc hành chính. Thực tiễn hiện nay rất nhiều vụ việc dân sự liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế: Người già, người khuyết tật, trẻ em...; liên quan đến lợi ích công như đất đai, môi trường, tài sản công, khi áp dụng quy định tại nghị quyết sẽ là cơ sở để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhóm đối tượng này.
Đại biểu cho rằng dự thảo Nghị quyết cần rà soát lại tiêu chí về "người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn" để phạm vi phù hợp hơn ở trong luật. Vì trong Luật Trợ giúp pháp lý cũng đã có những quy định này và tránh chuyện chồng chéo chính sách. Về tư cách pháp lý của Viện kiểm sát, hiện nay trong dự thảo đang sử dụng từ ngữ tố tụng, người tiến hành tố tụng để chỉ kiểm sát viên thực hiện khởi kiện, theo như phân tích của nhiều nhà nghiên cứu trong các luật việc dùng thuật ngữ này chưa thật chuẩn xác vì theo Luật tố tụng dân sự, khi tham gia với tư cách nguyên đơn, Viện kiểm sát nhân dân không còn chủ thể để tiến hành tố tụng mà là đương sự. Như vậy, vai trò của kiểm sát viên và vai trò của kiểm sát nhân dân phải có cơ chế quản lý như thế nào để đảm bảo tính khách quan ở trong nội dung này.

Đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, đại biểu đánh giá đây là một chính sách rất nhân văn. Việc miễn, hỗ trợ học phí thời gian qua cũng đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện qua Nghị quyết của HĐND tỉnh và rất hiệu quả. Đại biểu đề nghị việc chi trả học phí cần thực hiện một cách công khai, minh bạch và rõ đối tượng. Bên cạnh đó, các quy định tại nghị quyết cũng nên xem xét bổ sung vào Luật Giáo dục.
Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi cần phải có lộ trình cụ thể để các địa phương đảm bảo về lực lượng giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất. Trong đó có thể phân vùng, vùng nào ưu tiên làm xong trước phải thực hiện sớm; còn những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa phải đầu tư, chuẩn bị cả đội ngũ giáo viên để thực hiện.
Ý kiến ()