Báo động về ngộ độc thực phẩm
Cụ thể ở Đà Lạt, từ chiều tối 3-6 đến chiều 4-6, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu trên 120 du khách ngộ độc thực phẩm. Được biết, những người ngộ độc thuộc ít nhất 5 đoàn du khách, không ở cùng khách sạn và ăn uống tại nhiều nhà hàng. Theo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 1-6 đến 7-6 đã có 439 trường hợp ngộ độc thực phẩm phải điều trị tại các cơ sở y tế. Nguyên nhân của vụ ngộ độc này được kết luận là do ô nhiễm nguồn nước và đã được khắc phục.
Tại Sầm Sơn, khoảng 20 giờ ngày 11-6, hơn 30 công nhân của Công ty MitSu Thăng Long (cơ sở làm việc tại Hà Nội) đã nhập viện do ngộ độc thực phẩm, thật buồn là 1 người đã tử vong sau đó.
Mới đây 17-7, tại Hạ Long, hơn 20 du khách là cán bộ, bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã ngộ độc thực phẩm tại khách sạn Hạ Long Pearl.
Những vụ ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra trong thời gian qua, tại các điểm du lịch, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngộ độc tập thể không chỉ xảy ra ở các điểm du lịch, mà còn xảy ra ở doanh nghiệp, điển hình là các vụ xảy ra ở các tỉnh Thanh Hoá và Đồng Nai.
Tại Thanh Hoá, ngày 12-3, một vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại Công ty Giầy Hong Fu Việt Nam, tại Khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, huyện Hoằng Hoá, khiến 230 công nhân phải nhập viện. Mới đây, ngày 13-7, hơn 100 công nhân của Xí nghiệp May 8, Công ty Cổ phần May Hồ Gươm (Hà Nội), đóng tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm trưa.
Tại Đồng Nai, ngày 16-6, tại Công ty Shingmark, tại KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, đã xảy ra 1 vụ ngộ độc tập thể, làm 120 công nhân phải nhập viện điều trị.
Từ thực tế trên cho thấy công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại các nhà hàng khu du lịch, các bếp ăn tập thể cho công nhân của lực lượng chức năng phải được tiến hành thường xuyên, hiệu quả hơn nữa.
Ý kiến ()