Bài học “Kỷ luật - Đồng tâm”
Cuộc Tổng bãi công của hơn ba vạn thợ mỏ Quảng Ninh nổ ra ngày 12-11-1936 đánh dấu một cái mốc quan trọng trong quá trình phát triển về chất, từ “tự phát” sang “tự giác” của phong trào công nhân Việt Nam nói chung, phong trào thợ mỏ nói riêng. Từ trong cuộc đấu tranh này, khẩu hiệu “Kỷ luật - Đồng tâm” đã vang lên, trở thành phương châm hành động, là sức mạnh làm nên thành công của những người thợ trong suốt chặng đường cách mạng, giải phóng ách xiềng xích, giành độc lập tự do cho dân tộc. Cũng từ đó, “Kỷ luật - Đồng tâm” đã trở thành vốn quý, là nét truyền thống tốt đẹp không chỉ của những người thợ mỏ mà là của cả Vùng than Quảng Ninh.
Thực tiễn đã chứng minh, vào những thời khắc khó khăn nhất, tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm” luôn là động lực tạo nên sức mạnh để những người thợ mỏ vượt qua và đi tới. Còn nhớ vào những năm cuối thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước, ngành Than phải đối mặt với những khó khăn thực sự nặng nề… Và trong hoàn cảnh ấy, chính tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm” đã giúp những người thợ mỏ vững vàng niềm tin để vượt qua thách thức.
Cũng như vậy, ngành Than - Khoáng sản hiện nay cũng đang gặp những khó khăn về nhiều mặt, như thiếu vốn đầu tư cho các dự án, trong khi tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều bị chậm hơn so với những năm trước, lượng than tồn kho nhiều v.v.. khiến đời sống của thợ mỏ bị tác động không nhỏ. Trong bối cảnh này, để giải quyết khó khăn, ngành Than - Khoáng sản cần có những đối sách phù hợp và kịp thời để cùng với Chính phủ giải quyết từng vấn đề, về cơ chế chính sách, về điều chỉnh kế hoạch, cân đối giữa khai thác và tiêu thụ, sắp xếp, đổi mới cơ cấu tổ chức v.v.. và v.v.. Tuy nhiên, cùng với đó, không thể bỏ qua một “bí quyết” đặc biệt quan trọng, đó là khơi dậy tinh thần “Kỷ luật - Đồng tâm”… Có kỷ luật, có đồng tâm thì mới có sức mạnh để biến những chủ trương, biện pháp quản lý SXKD thành hiện thực. Vấn đề là ở chỗ làm thế nào để khơi dậy và phát huy được nét đẹp truyền thống này? Muốn làm được điều đó không chỉ có hô hào chung chung mà phải bằng hành động cụ thể tạo dựng được niềm tin cho người lao động, đưa nét đẹp truyền thống này vào đời sống văn hoá thợ mỏ, trở thành nét đặc trưng của văn hoá thợ mỏ...
Tin rằng một khi “Kỷ luật - Đồng tâm” được khơi dậy, chắc chắn những người thợ mỏ sẽ được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua khó khăn. Cũng như các thế hệ thợ mỏ đi trước đã từng vượt qua bao khó khăn to lớn tưởng chừng như không thể vượt nổi suốt 76 năm qua, để từ đó, từng bước phát triển, đưa Vinacomin trở thành một Tập đoàn kinh tế mạnh không chỉ của Việt Nam mà là của cả khu vực…
Trung Luận
Ý kiến ()