20
18
/
1100412
Bài 3: Mang no ấm, hạnh phúc thực chất cho người dân
longform
Bài 3: Mang no ấm, hạnh phúc thực chất cho người dân

Cover

Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 0,14%. Tuy nhiên, theo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021, toàn tỉnh có 1.511 hộ nghèo (tương đương 0,41%), 5.391 hộ cận nghèo (tương đương 1,46%). Với quan điểm để mỗi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển, trong những mục tiêu của giai đoạn tới, tỉnh xác định sẽ dành nhiều ưu tiên cho công tác giảm nghèo.

Ảnh trong văn bản

2 năm qua, những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với đời sống người dân là không hề nhỏ. Để các hộ khó khăn không tái nghèo, triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn mở rộng các nhóm đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 36/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 về một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian gian thực hiện cách ly tại khu vực phong tỏa với giá trị hiện vật tối đa 80.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-COV-2 (ngoài phần chi trả của quỹ bảo hiểm nếu có) theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; hỗ trợ chi phí mai táng phí,… với kinh phí dự kiến trên 286,4 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Thanh (phường Hà Trung, TP Hạ Long) nói: Tháng 9/2021, tôi nhận được một khoản hỗ trợ của tỉnh cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19. Khoản tiền đến rất kịp thời, giúp gia đình tôi trang trải sinh hoạt phí, vượt qua thời điểm khó khăn nhất.

Ảnh với chú thích
Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về phát triển KT-XH gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo tỉnh Quảng Ninh.

Không chỉ quan tâm giảm nghèo trong đại dịch, tỉnh cũng đặt quyết tâm phải tiếp tục nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách. Trong tháng 7/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, dành khoảng 4.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để thực hiện chương trình an sinh cho người dân khu vực này, đặc biệt ưu tiên địa bàn 25 xã và 24 thôn mới hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016-2020.

Với Nghị quyết này, những mục tiêu được đề ra trên tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị: Trên 99% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động khu vực DTTS, miền núi được đào tạo nghề đạt 87,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; thu nhập người dân tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020... Quảng Ninh kỳ vọng sẽ từng bước nâng cao mức sống, thu nhập của người dân; thể hiện quyết tâm thực hiện mục tiêu xóa chênh lệch vùng miền, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong thời gian sớm nhất, tạo sự phát triển bền vững của tỉnh.

Ảnh với chú thích
Cán bộ TP Uông Bí trao hỗ trợ cho hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Không chỉ quan tâm đến an sinh xã hội, tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng những đề án, kế hoạch về phát triển hạ tầng giao thông, phát triển sản xuất, du lịch dịch vụ ở các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo. Qua đó, tạo "đòn bẩy" để người dân phát huy lợi thế vùng miền, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ảnh trong văn bản

Hàng loạt các giải pháp giảm nghèo bền vững bao trùm khác cho giai đoạn tới cũng được tỉnh Quảng Ninh đặt ra với quyết tâm cao nhất. Ngay trong năm 2022, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được cấp thẻ BHYT; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến chính sách về giảm nghèo; giảm tối thiểu 400 hộ nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 0,11%; giảm 1.200 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 0,35%. Đến hết năm 2022, 12/12 thôn, bản đặc biệt khó khăn của tỉnh theo tiêu chí mới đạt tiêu chí hoàn thành chương trình 135, ra khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Ảnh với chú thích
"Kho hàng tái sử dụng" - mô hình hỗ trợ hộ khó khăn giúp giảm nghèo hiệu quả tại xã Đồng Sơn, TP Hạ Long - Ảnh: Việt Hoa.

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, tỉnh sẽ hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo. Trong đó, hỗ trợ thí điểm, xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, khoa học, công nghệ và mô hình kinh doanh; xây dựng mô hình giảm nghèo, vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH; hỗ trợ trang thiết bị, vật tư, công cụ, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ kinh phí, đặt hàng, giao nhiệm vụ xây dựng, phát triển, nhân rộng mô hình giảm nghèo và các nội dung hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

Tỉnh cũng tập trung xây dựng các mô hình tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh, ưu tiên địa bàn các thôn đặc biệt khó khăn và các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ảnh với chú thích
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trao tặng sữa cho học sinh Trường Mầm non Đồn Đạc (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ).

Đặc biệt, 2022 là năm đầu tiên việc cải thiện dinh dưỡng được đưa làm một trong những nội dung trọng tâm của chương trình giảm nghèo. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ thực hiện các hoạt động cụ thể hỗ trợ cho trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng. Trong đó, tỉnh tăng cường việc tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo; hướng dẫn chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc cho trẻ học đường; thông tin, truyền thông và tư vấn cho phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ về lợi ích của việc chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhân viên y tế thôn bản và cán bộ, nhân viên chăm sóc, bảo vệ trẻ em cấp xã.

Bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn rằng người dân Quảng Ninh sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình thoát nghèo. 

Nguyên Ngọc - Cao Quỳnh

Thực hiện: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu