Theo tiến sĩ Mark Travers, nhà tâm lý học người Mỹ, đây là một cơ chế sinh tồn được hình thành từ những trải nghiệm thời thơ ấu, đặc biệt là trong môi trường gia đình không ổn định về mặt cảm xúc. Những người này học cách thích nghi để tránh xung đột hoặc bị từ chối.
Tuy nhiên, khi bước vào các mối quan hệ trưởng thành, xu hướng này có thể làm mờ ranh giới giữa kết nối và đánh mất bản thân.
Dưới đây là ba dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang trở thành một "tắc kè hoa".
Thay đổi sở thích và quan điểm để giống người yêu
Dấu hiệu rõ nhất của việc trở thành "tắc kè hoa" là bạn dễ dàng thay đổi sở thích, quan điểm và thói quen của mình để phù hợp với đối tác. Bạn xem chương trình truyền hình họ thích dù không mấy hứng thú, đồng ý với những quan điểm chính trị trước đây bạn chưa từng cân nhắc, hoặc cố gắng thích thứ mà trước đây bạn không quan tâm.
Nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí quốc tế Personal Relationships cho thấy sự rõ ràng về bản thân (Self-Concept Clarity - SCC) là yếu tố quan trọng trong hạnh phúc cá nhân và sự hài lòng trong mối quan hệ. Những người có SCC cao thường có mối quan hệ lành mạnh hơn, trong khi những người có SCC thấp dễ nghi ngờ bản thân và vô thức hình thành bản sắc của mình quanh đối tác.
Để thoát khỏi tình trạng này, tiến sĩ Travers khuyên nên dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, tránh xa mạng xã hội và những ảnh hưởng bên ngoài.
Hãy tự hỏi: "Mình thực sự thích gì? Quan điểm của mình là gì?" Viết ra và so sánh với những gì bạn thể hiện trong mối quan hệ để điều chỉnh cho phù hợp.
Đồng thời, bạn hãy thực hành thể hiện bản thân bằng những hành động nhỏ, như chia sẻ quan điểm trung thực hoặc lựa chọn trang phục theo sở thích cá nhân.
Khó thiết lập ranh giới
Nếu thường xuyên đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân, có thể do bạn sợ bị từ chối. Khi lớn lên trong một môi trường mà việc bày tỏ nhu cầu cá nhân thường dẫn đến sự trừng phạt hoặc cô lập, bạn có thể đã học được rằng bất đồng quan điểm đồng nghĩa với mất kết nối.
Khi trưởng thành, bạn dễ đồng ý với những kế hoạch khiến bản thân mệt mỏi, bỏ qua những lời bình luận tổn thương, hoặc nói "có" dù thực sự không muốn. Điều này khiến bạn trở thành người chỉ thích nghi để duy trì mối quan hệ, thay vì là một đối tác bình đẳng.
Để cải thiện tình trạng này, tiến sĩ Travers khuyên hãy tự hỏi mình trước khi đồng ý: "Mình thực sự muốn điều này hay chỉ đang tránh xung đột?". Hãy cho phép bản thân ưu tiên nhu cầu của mình, kể cả những quyết định nhỏ.
Bạn sợ bị từ chối và luôn tìm kiếm sự chấp nhận
Nghiên cứu trên tạp chí Social Cognitive and Affective Neuroscience cho thấy những người từng trải qua sự cô lập xã hội có hoạt động não bộ tăng cao ở vùng xử lý nỗi đau cảm xúc. Nói cách khác, nếu từng bị từ chối trong quá khứ, bạn có thể vô thức thay đổi bản thân để tránh bị xa lánh trong các mối quan hệ.
Theo tiến sĩ Travers, khi đó bạn có thể hạ thấp ý kiến của mình hoặc điều chỉnh hành vi để làm hài lòng đối phương, lo lắng về việc không được chấp nhận.
Để thoát khỏi vòng lặp này, hãy dừng lại và tự hỏi: "Mình nói điều này vì tin vào nó, hay vì muốn người khác thích mình?". Hãy bắt đầu bày tỏ quan điểm khác biệt, ngay cả trong những tình huống ít rủi ro.
"Nhắc nhở bản thân rằng được yêu thích không giống như được yêu thương. Kết nối thực sự đến từ sự tôn trọng và trung thực, không phải từ việc luôn cố gắng làm hài lòng người khác", Traves nói.
Ý kiến ()