An toàn thực phẩm: Nhìn từ vụ kem Tràng Tiền giả
Theo thông tin trên Cổng điện tử của Công an tỉnh, một cơ sở sản xuất kem Tràng Tiền giả ở Đông Triều vừa bị lực lượng cảnh sát môi trường làm sáng tỏ. Không chỉ tổ chức sản xuất kem dán nhãn hiệu Tràng Tiền (Hà Nội) mà cơ sở này còn sản xuất một số loại kem khác với thâm niên hoạt động từ năm 2010 trong điều kiện “2 chưa, 1 không”.
Đó là, chưa được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với kem sản xuất; còn “1 không” là không có bản cam kết bảo vệ môi trường. Vụ việc này được làm sáng tỏ bắt đầu từ tin báo của quần chúng nhân dân. Một cơ sở có quá nhiều vi phạm như vậy, nhưng lại “qua mặt” cơ quan chức năng trong thời gian quá dài. 4 năm, không ai có thể tính được, có bao nhiêu cây kem không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã đến tay người tiêu dùng.
Cơ sở này ở khu Vĩnh Quang, thị trấn Mạo Khê, do ông Trần Văn Phúc làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra (ngày 13-5), một nhân viên của cơ sở đang tiến hành đóng gói bằng máy loại kem nhãn hiệu Tràng Tiền sữa dừa. Trong kho lạnh có hơn 500 thùng kem các loại ghi địa chỉ Công ty CP Xuất nhập khẩu thương mại và Chế biến thực phẩm Minh Hoa, Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội; 33 khay nhựa chứa hơn 5.000 que kem Tràng Tiền do cơ sở sản xuất đã được đóng gói, đóng hộp; 25 túi kem tăng lực bốn mùa và 2.500 túi nhỏ sữa chua Bò Húc cũng do cơ sở sản xuất. Mở rộng kiểm tra phía ngoài, tiếp tục phát hiện thêm 5 bao tải dứa đựng vỏ hộp giấy nhãn mác hiệu kem Tràng Tiền và gần 10 thùng bìa các tông, bao nhãn hiệu một số loại sữa, kem. Ông Phúc và các nhân viên ở cơ sở này cho biết thường giao sản phẩm cho các đại lý ở TX Quảng Yên, TP Uông Bí, huyện Thuỷ Nguyên (TP Hải Phòng). Liệu còn địa chỉ tiêu thụ nào ngoài lời tường trình từ cơ sở sản xuất? Thật khó biết!
Xử lý ban đầu của lực lượng cảnh sát môi trường đối với cơ sở này là lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, cam kết bảo vệ môi trường; còn hành vi sản xuất hàng giả đang được tiếp tục làm rõ; đồng thời xác minh các cửa hàng bán lẻ sản phẩm do cơ sở ông Phúc sản xuất, phân phối để thu hồi, xử lý.
Qua một vụ việc cụ thể trên cho thấy, điều đầu tiên cần phê phán chính là lương tâm kinh doanh của chủ cơ sở sản xuất. Chúng ta đều biết, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm từ lâu đã và đang là mối lo ngại của toàn xã hội, thậm chí luôn “nóng” trong từng gia đình. Khi công tác tuyên truyền ngày càng được đẩy mạnh, nhận thức của người tiêu dùng về vấn đề an toàn thực phẩm được nâng cao thì việc bảo vệ sức khoẻ bản thân được chú trọng trong từng “miếng ăn, hớp nước”. Nhưng, lại có những cá nhân cam tâm đưa ra thị trường sản phẩm không đảm bảo an toàn như cơ sở sản xuất kem của ông Phúc hay Rượu nếp Hà Nội 29 đã từng gây ra hậu quả đau lòng.
Tại cuộc họp giao ban quý I-2014 của Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm, cương quyết những cá nhân, tập thể vi phạm quy định về an toàn thực phẩm... Và, chắc chắn, ngay từ chính người dân khi được biết thông tin về vụ việc nói trên cũng sẽ mong muốn cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh. Không chỉ vậy, qua đây, còn đặt ra vấn đề về công tác quản lý của địa phương trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; cùng với đó là việc đề cao vai trò giám sát của người dân nhằm mang lại hiệu quả như mong muốn.
Ngọc Lê
Ý kiến ()