Cần phát huy vai trò tiên phong của các công ty lâm nghiệp trong mục tiêu khôi phục rừng sau bão
Ngày 10/10, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì họp với các công ty lâm nghiệp để nghe, rà soát, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn sau bão số 3. Cùng dự có đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 8 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp được giao, thuê đất với tổng diện tích hơn 56.000ha, diện tích rừng trồng đạt khoảng 70%, tương đương diện tích hơn 39.000ha. Đầu tháng 9/2024, bão số 3 đổ bộ vào tỉnh với sức tàn phá lớn, cường độ rất mạnh đã khiến hơn 36.000ha rừng của các đơn vị lâm nghiệp bị ảnh hưởng, hư hỏng, thiệt hại do cây gãy đổ. Trong đó có khoảng 31.000ha rừng trồng, còn lại là rừng tự nhiên.
Ngay sau bão, các đơn vị đã thực hiện rà soát, kiểm tra, bố trí lực lượng triển khai các biện pháp quản lý rừng bị hư hại; áp dụng các biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; chủ động đặt cây giống để tái sản xuất lại rừng…
Tuy nhiên, công tác khắc phục rất khó khăn, cây rừng gãy đổ, đang khô héo do thiếu nước, nguy cơ cháy rừng rất cao; hệ thống đường lâm nghiệp bị mưa lũ chia cắt, phá hủy khó tiếp cận; hiện chưa có hướng dẫn về thanh lý rừng trồng sử dụng vốn nhà nước, các nguồn vốn hợp pháp, do vậy chưa thực hiện được trình tự, thủ tục thanh lý rừng; chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các hộ thành viên của doanh nghiệp bị thiệt hại…
Tại cuộc họp, đại diện các công ty lâm nghiệp đề nghị UBND tỉnh kịp thời có các chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, sớm có phương án xử lý hiện trường nhằm ngăn chặn cháy rừng; triển khai các giải pháp hỗ trợ nguồn lực về vốn, thực hiện khoanh, hoãn, giãn nợ, các chính sách ưu đãi để tái đầu tư, khôi phục sản xuất, đảm bảo trồng lại rừng cho kịp mùa vụ.
Cùng với đó, định hướng chuyển đổi cơ cấu lại các loại cây trồng, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại từng khu vực; ưu tiên trồng cây đa tác dụng, có khả năng chống chịu gió bão, sâu bệnh; cây sinh trưởng, phát triển tốt, có khả năng thích nghi với môi trường và các điều kiện lập địa khắc nghiệt; trồng rừng hỗn loài, đa tầng tán…
Kết luận cuộc họp, đồng chí Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong tổng số 25.000 tỷ đồng Quảng Ninh bị thiệt hại sau bão, thì thiệt hại ở lâm nghiệp là lớn nhất. Trong đó, các công ty lâm nghiệp thiệt hại chiếm hơn 30% tổng thiệt hại lâm nghiệp của Quảng Ninh. Đồng chí chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị lâm nghiệp và người dân.
Nói về vai trò của rừng, đồng chí nhấn mạnh: Rừng không chỉ che chở, bảo vệ con người trước thiên nhiên khắc nghiệt, mà còn mang lại sinh kế, làm giàu cho người dân. Rừng còn đóng vai trò đảm bảo an ninh nguồn nước, biên giới, gắn với đời sống, sinh hoạt truyền thống của nhân dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương.
Ngay sau bão, tỉnh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo để ngành lâm nghiệp khắc phục thiệt hại như thực hiện thống kê, báo cáo Chính phủ hướng dẫn hỗ trợ; chỉ đạo xây dựng Đề án quy hoạch lại 3 loại rừng; kết nối các đơn vị công nghệ, phát triển rừng để tìm hiểu, nghiên cứu, bàn giải pháp tái cơ cấu loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp…
Trong quá trình đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn từ trung ương, đồng chí đề nghị, với vai trò tiên phong, “người đi đầu”, định hướng phát triển lâm nghiệp, các công ty lâm nghiệp cần thực hiện ngay việc thống kê, rà soát, triển khai cấp bách các giải pháp bảo vệ, phòng chống cháy rừng.
Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị thủ tục triển khai thanh lý rừng trên cơ sở bám sát các quy định; chủ động nguồn giống phục vụ công tác triển khai kế hoạch trồng rừng năm 2025; liên hệ với các tỉnh, thành không còn quỹ đất trồng rừng thay thế để thống nhất, báo cáo Bộ NN&PTNT bố trí kinh phí trồng rừng thay thế về tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước, ngành Thuế, Bảo hiểm thực hiện ngay hướng dẫn các công ty, người dân hoàn thiện thủ tục khoan, giãn, hoãn nợ và cho vay mới; miễn các loại thuế theo quy định; hỗ trợ giảm, giãn đóng nộp các loại bảo hiểm…
Khẩn trương lập Đề án tái thiết phát triển nông, lâm, ngư nhiệp. Trong đó đối với lâm nghiệp phải tiến hành đánh giá hiệu quả đất đai, cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; thực hiện các mô hình thí điểm trên cơ sở phát huy tốt giá trị đất đai, năng suất, hiệu quả kinh tế. Trong quá trình triển khai, cần đảm bảo thực hiện các chủ trương, kế hoạch của tỉnh về phát triển rừng gỗ lớn, an ninh nguồn nước, bảo vệ biên giới, đảm bảo đời sống, an sinh nhân dân.
Song song với đó, chủ động kết nối, liên kết sản xuất với doanh nghiệp có nhu cầu nhằm hình thành chuỗi giá trị cung ứng hiệu quả, tạo vùng nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ lâm sản nhằm khai thác hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh.
Ý kiến ()