Sẽ tổ chức nghiên cứu về đề xuất xây dựng dự án Luật hoạt động giám sát của nhân dân
Cử tri Quảng Ninh kiến nghị: Pháp luật về giám sát của nhân dân là bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có các văn bản quan trọng quy định về quyền và hoạt động giám sát của nhân dân như: Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một luật riêng quy định một cách toàn diện, cụ thể về hoạt động giám sát của nhân dân thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành Luật hoạt động giám sát của nhân dân.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Pháp luật trả lời như sau:
Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải chịu sự giám sát của nhân dân.
Thể chế hóa quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... đã quy định về hoạt động giám sát của nhân dân (trực tiếp và gián tiếp). Trong đó, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đã có quy định khá toàn diện, đầy đủ về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận.
Thực tế thời gian qua cho thấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã rất tích cực chủ động thực hiện hoạt động giám sát như nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và đã đóng góp nhiều ý kiến, kiến nghị quan trọng, sâu sắc, thuyết phục góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ quan Nhà nước, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Triển khai Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, trong đó đặt ra yêu cầu rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành trong năm 2025, Ủy ban Pháp luật xin được ghi nhận ý kiến của cử tri để nghiên cứu phục vụ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật này và các luật hiện hành có liên quan. Đồng thời, chuyển ý kiến của cử tri đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư pháp để tổ chức nghiên cứu đề xuất khả năng xây dựng dự án.
Ý kiến ()